Sunday, March 2, 2014

Dấu Chân Kỷ Niệm

(Du ký của một chuyến về thăm Úc & New-Zealand)
Nguyễn Phục Hưng

Thấm thoát mà tôi rời NZ đã hơn 30 năm! Thời gian qua nhanh như "bóng câu qua cửa sổ". Tôi vẫn mong có một ngày được trở lại thăm NZ, nhất là Wellington và Auckland là nơi tôi đã sống những ngày vui buồn thời đi học. Bây giờ thì mong ước đã thành khi bà xã tôi làm việc với hãng máy bay nên cả gia đình có cơ hội về lại NZ mà không phải quan tâm về ngân quĩ gia đình.

Sắp xếp công chuyện sở, chuyện nhà cho một tháng đi xa rất ư là nhức đầu. Chương trình thay đổi như cơm bữa. Lúc thì muốn ghé Melbourne, khi thì không. Lúc thì thích đi Queenstown, mà lại sợ lạnh, không dám... Nhưng rồi mọi chuyện cũng tạm xong, ngày tôi đưa vợ con về thăm "quê chồng" (chữ của vợ tôi vẫn dùng khi nhắc đến NZ) cũng đến.

Chúng tôi khởi hành từ Houston đi Tokyo. Có lẽ tôi không có duyên với thành phố này nên dù đã đến phi trường Narita ba bốn lần mà chưa bao giờ tôi ra khỏi nơi đây. Trạm kế là Guam. Guam là nơi có nhiều trại đón nhận người Việt tỵ nạn năm 1975. Nơi đây có nhiều kỷ niệm hãi hùng cho vợ tôi. Nàng nhớ lại những ngày sống dưới mái lều đầy nắng gió, cát bụi của tháng Năm năm 75. Những ngày tháng đợi chờ vào nước Mỹ, ngày ngày xếp hàng đi ăn cơm nhà bàn. Từ Hiền (TH) nhắc lại chuyện ngày xưa cho tôi nghe trên chuyến bay từ Tokyo đến Guam. Chuyện cô bé vừa ngoài 20 tuổi đi tìm người yêu, với đôi mắt đỏ hoe vì khóc và vì cát bụi. Bây giờ các trại tỵ nạn đã đóng cửa, chúng tôi có hỏi vài người dân địa phương cách để đến thăm lại nơi TH đã ở nhưng được biết là không vào được nữa.

Vì là "Airlines Staff" nên TH được hưởng giá đặc biệt của hầu hết các khách sạn. Tới Guam, chúng tôi ở tại Hilton. Từ đấy nhìn ra biển thật là đẹp. Dĩ An nói với TH: "Giống như trong movie mẹ nhỉ." Buổi sáng chúng tôi dậy sớm tắm biển, nước trong và rất sạch. TH nói: "Nếu ngày xưa em không bị khủng hoảng tinh thần về việc di tản thì chắc em cũng đã thấy Guam đẹp như bây giờ anh nhĩ." Tôi nheo mắt: "Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!"

Rời Guam, chúng tôi bay sang Cairns, thị trấn địa đầu phía Đông Bắc của Úc Đại Lợi. Chúng tôi ít khi nghe đến tên của địa danh này nên đã không dự định ở lại. Dè đâu phong cảnh nơi đây rất đẹp, khí hậu thì giống ViệtNam. Chung quanh phi trường là những hàng dừa xanh ngắt. Thôi đành hẹn lại dịp khác sẽ thưởng thức dừa, nhãn, xoài, chôm chôm...vậy!.

Chúng tôi bị một trục trặc bất ngờ khi qua quan thuế ở Cairns. Lý do là hôm ở Guam, ông tài xế xe bus rất dễ thương và cởi mở, đã dùng xe bus, chở chúng tôi chạy ra khỏi lộ trình của mình, để đến một tiệm trái cây của người VN, mua một trái mít rất ngon. Mít đã được ăn hết nhưng mùi thơm vẫn còn trong hành lý. Chú chó của quan thuế Cairns có chiếc mũi rất thính, đã nhất định ngồi lỳ bên đống hành lý của chúng tôi, làm nhân viên quan thuế tưởng chúng tôi có ma phiến hay đồ quốc cấm. Thế là họ khám xét tùm lum mà vẫn không kiếm được gì. Đến khi TH nói là hôm qua đã mua Mít thì ông quan thuế trợn mắt: "Sao không nói từ đầu?" Vợ tôi cười hiền lành: "Tại ông đâu có hỏi."

Sau sáu giờ chờ đợi ở Cairns, chúng tôi đáp máy bay của hãng Qantas đi Brisbane. Vừa ra khỏi cổng quan thuế (lại quan thuế!) đã thấy ĐNHùng chờ sẵn. Tay bắt mặt mừng, Hùng dẫn chúng tôi ra bãi đậu xe. Có lẽ vì vui mừng gặp lại bạn, Hùng quên mất chỗ đậu xe, làm tôi cảm động quá chừng. Nhưng chỉ vài phút sau thì Hùng cũng tìm thấy xe. Tôi nhìn vợ tôi, vui vẻ nói: "Đâu phải mình anh lẫn đâu em." TH chỉ mỉm cười, không đáp.

Căn nhà của Hùng-Xuân nằm trên lưng đồi thật xinh xắn và thơ mộng. Sau khi cho hành lý vào phòng xong, Hùng đưa chúng tôi ra xem chiếc balcon do Hùng vẽ kiểu lấy. Balcon hình chéo, rất lạ, Hùng hỏi chúng tôi có nhận ra hình gì không. Dĩ An đáp ngay: "Titanic!" Hùng đã giải thích là sở dĩ Hùng làm như vậy là để nhớ lại con tàu đã đưa Hùng vượt biên. Bạn tôi coi vậy mà lãng mạn thật!!!

Brisbane cũng đồi núi như Wellington chỉ khác là không có biển, nhưng bù lại thì dòng sông Brisbane chia thành phố làm đôi nên rất thơ mộng. Chúng tôi không dám lái xe ở Úc và NZ vì ở hai nước này họ "lái xe ngược," vợ tôi nói vậy. Chúng tôi đành giao số mạng cho Hùng. Rất may là Hùng lái xe còn ngon lành lắm, chưa lẫn chút nào cả.

Ngày đầu và ngày cuối ở Brisbane, Hùng-Xuân đưa chúng tôi đi coi thành phố này. Lúc đứng chờ tôi đổi tiền ở ngân hàng, Hùng đã chỉ cho Xuân và TH nhìn một cặp vợ chồng già người Úc, phải chống gậy khi di chuyển rồi nói: "Bây giờ còn sức khỏe mà không đi thăm nhau thì đến lúc già yếu làm sao đi nổi." Sau đó thì Hùng đề nghị vận động tổ chức một Exkiwi Reunion năm 2001.

Ngày thứ hai Hùng đưa hai gia đình đi Gold Coast (GC). Đây là một thành phố nghỉ mát của Úc thật đẹp. Từng dãy khách sạn tiếp nối nhau trên cả vài chục dặm đường. Bãi biển cát vàng, nước sạch và trong, rất tuyệt vời. Vì đang Đông nên nước lạnh, không thể nào tắm được. Hùng-Xuân vẫn chưa ngại làm khổ chủ nên đã ân cần mời chúng tôi tới chơi vào mùa Hè để tắm biển.

Tối đó chúng tôi được đưa đến thăm gia đình anh chị ĐVQuí. Anh chị Quí và vợ chồng Tân, con trai trưởng của anh chị (cũng là Exkiwi,) ở trong một dinh thự thật đẹp. Nhà vừa xây xong, còn thơm nguyên mùi thảm mới. Sau đó chúng tôi được mời đi ăn tiệm. Ăn xong, lại được chở lên Mt. Coot-Tha để xem Brisbane về đêm.

Ngày thứ ba Hùng lại đưa mọi người đi Rain Forest để coi thú và cây. Trước khi vào rừng, Hùng đã không quên chỉ cho chúng tôi xem dãy Glasshouse Mountains. Theo Hùng thì những ngọn núi này "có liên hệ gia đình" với nhau, tên là "Núi Ông, Núi Cha, Núi Con..." Đang dò dẫm từng bước trong rừng thì bị mưa nên chúng tôi phải trở lui. Sau khi kiếm chỗ ăn trưa xong, Hùng đưa mọi người đi "Big Pineapple". Ở đây chúng tôi được xem cả rừng trồng thơm, mãng cầu, bưởi... Tôi xin nói thêm một tí cho quí bạn nào muốn ăn trái cây vùng nhiệt đới biết. Mãng cầu (MC) ở đây vừa ngon, vừa rẻ. Một kilo MC chỉ Aus$1.50 vị chi là chừng 45 cents Mỹ một pound thôi. Bưởi ở đây rất ngon, 10 quả 1 đồng, tức là khoảng 65 cents tiền Mỹ. Bà xã tôi rất mê mục này.

Rời Big Pinapple, chúng tôi được chở đi Sun Shine Coast (SSC). Bãi biển của SSC không tấp nập như GC nhưng cũng có nhiều người đi dạo. Hình như SSC có nhiều người già hơn là GC thì phải. Có lẽ đây là nơi những người về hưu tựu về để sống chăng? Chúng tôi đã thi nhau chạy trên bãi biển này rất vui.

Trên đường về, chúng tôi được ghé vào thăm gia đình anh LTHoa, một cựu sinh viên của Colombo Plan Úc. Anh không những là bạn đồng nghiệp cũ của Hùng mà còn là anh em cột chèo với bạn tôi nữa. Vợ chồng anh đã cho mượn chiếc xe Van để Hùng đưa chúng tôi đi chơi suốt mấy ngày.

Những ngày ở Brisbane thật là vui. Tôi và Hùng hàn huyên đến khuya. Hai cháu con Hùng-Xuân là Khải và Ngọc Trân bận học thi nên đã không được chơi nhiều. Dù vậy mà tối nào cũng nói chuyện với Dĩ An sau khi đã ôn xong bài vở. Chị Xuân bận bịu đủ thứ nhưng lúc nào cũng tươi cười. Chị có một đức tánh rất tốt, là ngồi trong xe chồng lái, chị không hề thắc mắc hay phàn nàn gì cả cho dù bạn tôi có lạc đường, buồn ngủ hay lái hơi lạng quạng gì đi nữa. Chúng tôi đã nói với Hùng: "Xuân quả là một người đàn bà phi thường.'" Bạn tôi cười ra chiều rất khoái chí!

Sau bốn ngày ở Brisbane, chúng tôi phải giã từ bạn để đi Canberra. Hùng-Xuân đưa chúng tôi đến tận cửa máy bay mới chịu quay về làm tôi cảm động quá đỗi.

***

Đón chúng tôi ở phi trường Canberra, anh VTNghĩa vui mừng chào hỏi. Vẫn dáng người từ tốn, thanh nhã như xưa, anh không thay đổi gì cả. TH chọc anh: "Thưa thầy, bây giờ con gọi thầy là thầy hay là anh?" Anh cười, xua tay: "Thôi mà TH, thầy trò gì nữa!" Anh Nghĩa chở chúng tôi đi dạo thành phố capital này trước khi đưa về nhà "để tranh thủ thì giờ, vì Hưng ở ít quá," anh nói. Theo anh thì: "Nếu bạn chưa thăm viếng capital của một nước nào thì coi như bạn chưa biết gì về nước đó."



Khác hẳn với Brisbane, Canberra bằng phẳng, đường phố rộng rãi, ngăn nắp như Washington DC. Anh Nghĩa nói là người kiến trúc sư của Canberra cũng chính là người đã vẽ kiểu của Washington DC. Canberra lạnh và có nhiều sương mù hơn Brisbane. Chúng tôi được đưa lên tháp Telstra ngắm thành phố, nhưng vì sương mù dày đặc nên đã không thấy được gì. Nghe vợ tôi nói tiếng Bắc, anh Nghĩa hỏi: "TH còn nói được giọng Huế không?" "Dạ còn, tại sao?" TH hỏi lại. Anh cười cười, bí mật: "Lát nữa về nhà sẽ biết."

Thật là một sự thích thú tuyệt vời cho bà xã tôi khi chị Hà, vợ anh Nghĩa, cũng là người Huế. Từ lâu TH vẫn than phiền là bị tôi "Bắc Kỳ hóa". Mà thật vậy, chỉ khi nào gặp lại gia đình mình, TH mới nói lại giọng Huế dễ thương của nàng, còn không thì khó ai biết được nàng là con gái Huế chính hiệu. Nghe chị Hà và TH nói chuyện, tôi tưởng như tôi đang thả bộ bên dòng sông Hương êm ả ngày nào! Anh Nghĩa hay hơn tôi nhiều, anh không những hiểu hết tất cả mọi chuyện hai người nói, anh còn "dịch ra tiếng Bắc" cho TH những chữ nàng chưa biết (Hay là đã quên, sau 25 năm bị tôi brain washed!!!) Bạn nào cần học một khóa tiếng Huế, kể cả cổ ngữ của miền sông Hương núi Ngự thì nên liên lạc với anh Nghĩa.

Anh chị Nghĩa có một cháu gái rất xinh xắn, dễ thương, tên ở nhà của cháu là Phi. Phi có dáng dấp dịu dàng như các cô học sinh Đồng Khánh ngày trước, lại thêm vẻ quí phái "ladylike" của các công chúa thời xưa bên Âu Châu. Đặc biệt hơn nữa là cháu chơi dương cầm những bản nhạc VN rất "tới". Nếu bạn nào có con trai, nên lo gởi gạo gấp cho anh chị Nghĩa trước khi quá trễ!!!

Ở Canberra chúng tôi còn được gặp và ăn cơm chung với gia đình anh NTSơn nữa. Đêm đầu tiên, anh chị Sơn đến nhà anh Nghĩa gặp chúng tôi. Hôm sau thì cả bọn tôi kéo nhau đến nhà anh Sơn. Tài nấu nướng của chị Hà và chị Lệ thật là xuất sắc. Nếu bạn đang "diet" thì phải "skip" Canberra, vì TH và Dĩ An đã lên hơn 2 kilos mỗi người trong vòng có hai ngày ở đây!

Chị Hà nấu toàn món Huế, bánh canh tôm cua, bánh ướt tôm chấy... trong khi chị Lệ đãi toàn món Bắc, như phở, bánh tôm... Món bánh tôm của chị Lệ tuyệt cú mèo (bánh tôm Hồ Tây không tài nào sánh kịp!). Chúng tôi còn được chị Lệ cho ăn tráng miệng bằng bánh Trung Thu do chị tự làm lấy. Tôi chưa được từng ăn bánh nướng ngon như vậy ở đâu cả. Nghe tôi bày tỏ cảm tưởng của mình về bánh trung thu do chị Lệ làm, anh Sơn mới bật mí cho biết là anh đã phải đưa chị qua tận Hồng Kông để học làm loại bánh này. Thảo nào!!!

Nếu không cần phải diet, thì Canberra là nơi bạn nên đến. Chúng tôi đã được anh chị Nghĩa cho "tham dự " một phiên họp của Hạ Viện tại quốc hội thật là thú vị. Trong Memmorial Museum của Canberra, vợ tôi đã rất thích thú khi tìm thấy những lá thư tình rất "tình" của một anh bộ đội ngày xưa . Nàng đã ngây thơ phán một câu: "Em đâu có biết là mấy anh chàng bộ đội cũng "tình" không thua gì mấy anh Exkiwi đâu!" Anh chị Nghĩa cũng đã chiều lòng khách, chở chúng tôi đi thật xa, kiếm cho ra mấy chú Kangaroo và Koala Bear để.....chụp hình, theo lời yêu cầu của bố con tôi.

Rời Canberra với bao luyến tiếc, chúng tôi bay qua Sydney. Anh LT Tiến đã chờ sẵn nơi phi trường. Anh đóng cửa văn phòng nguyên một ngày để đưa chúng tôi đi thăm thắng cảnh của thành phố sắp có Olympic này. Dù chỉ lưu lại nơi đây với một thời gian rất ngắn, nhưng chúng tôi đã được sống một ngày thật đầy ý nghĩa .

Trước hết anh Tiến đưa chúng tôi đến văn phòng của luật sư Ưu. Sau khi chào hỏi, anh Ưu đưa tất cả đi ăn điểm sấm trên một cao ốc trong phố Tàu của Sydney. Anh Ưu đã làm tôi vô cùng ngạc nhiên về tài nói tiếng Tàu của anh. Ăn xong anh Tiến đưa chúng tôi đi tham quan Sydney. Sydney đẹp và đông đúc. Hải cảng Sydney rất nên thơ. Chẳng hổ danh là thành phố lớn nhất Úc Châu. Sau đó anh đưa chúng tôi về tư thất của anh chị Ưu-Lan. Anh Ưu chị Lan rất hiếu khách, nhất định không cho chúng tôi ở khách sạn. Dĩ An được gặp con trai của anh chị là Minh. Minh cùng bạn là Teresa đưa Dĩ An đi chơi đến thật khuya mới về. Phần chúng tôi thì được anh chị đưa đi ăn tối do nhóm Exkiwi khoản đãi.

Chúng tôi đến nhà hàng trước giờ đã định mà vẫn có vài người chờ sẵn, như anh chị PQTuấn, anh chị Tiến, anh NĐKim ..., ngoài ra chúng tôi còn được hân hạnh gặp thêm bạn mới như anh chị Võ Phụng, anh Kiếm ... Tôi đã đặc biệt giới thiệu nhà tôi với anh Tuấn, người mà tôi đã "mượn" tên để đặt cho con trai đầu lòng của chúng tôi. Rất tiếc là cháu Nguyễn-Quang-Tuấn đã không đẹp trai và tài hoa như bác Tuấn!!! (Does it have something to do with the last name?)

Anh chị Tiến có hai cháu gái rất xinh. Mới ngày nào anh chị còn dung dăng dung dẻ dắt nhau đi honeymoon xứ Mỹ mà giờ đây thì: "chắc cũng còn lâu mới đi chơi lại," chị Dung nói vậy.

Trong buổi tiệc vui họp bạn này, tôi đã chuyển đề nghị về một Exkiwi Reunion vào năm 2001 ở Sydney hay NZ của các anh Hùng, Nghĩa và Sơn.... Theo anh Hùng thì: "nếu chúng ta không gặp nhau bây giờ thì còn đợi đến lúc nào nữa, chẳng lẽ chờ đến khi chống gậy mới đi thăm nhau sao?" Các anh chị ở Sydney đã nhiệt liệt đồng ý và "bổ nhiệm" anh Ưu đưa việc này lên diễn đàn Mítchổng để thăm dò ý kiến.

Cuộc vui nào cũng chóng tàn! Sau khi chia tay ở nhà hàng, anh Ưu chị Lan còn cho chúng tôi đi thăm "Sydney-by-Night". Sydney ban ngày đã đẹp là thế, ban đêm còn lộng lẫy bội phần. Có lẽ "la" tôi chưa đủ trên diễn đàn Mitchổng, anh Ưu lại than phiền thêm về việc chúng tôi lưu lại quá ngắn nơi đây. Tôi chỉ biết cười chịu tội. Sáng hôm sau chúng tôi phải đón chuyến bay 7 giờ đi Auckland. Mới 5 giờ sáng mà chị Lan đã dọn sẵn một bữa điểm tâm thật tươm tất làm chúng tôi vô cùng cảm động. TH thắc mắc không biết là chị có ngủ được tí nào không vì chúng tôi về tới nhà cũng đã hơn 1 giờ sáng rồi. Anh chị Ưu đưa chúng tôi ra phi trường khi mọi người khác có lẽ đang an giấc điệp.

***

Ngồi trong chiếc máy bay DC10 của Air New Zealand từ Sydney đi Auckland, lòng tôi lâng lâng rộn ràng. Mặc dù đã nhiều đêm không ngủ, tôi vẫn không tài nào chợp mắt được. Bao nhiêu kỷ niệm hiện về. Tôi nhớ mới ngày nào còn ngớ ngẩn khi bước chân xuống nhà ga Auckland mà giờ đây con tôi đã sắp xong đại học. Thời gian trôi qua thật nhanh!!!

Anh LQLong đón chúng tôi ngay trước cửa quan thuế. Lần cuối tôi gặp anh là lúc anh sang dậy một khoá quản trị bên Điện Lực VN, trước năm 75. Anh vẫn gầy như xưa, không thay đổi nhiều, khác chăng là chỉ thêm vài cọng tóc bạc mà thôi. Sau hơn 25 năm mà anh vẫn còn nhanh nhẹn như ngày nào. Anh đưa chúng tôi về nhà, nhường luôn căn phòng của anh chị cho gia đình chúng tôi. Anh chị Long bây giờ đã có cháu ngoại để bồng rồi. Gặp anh chị thật là cảm động, anh chị thương mến và săn sóc chúng tôi như những đứa em còn nhỏ dại. Tiếc là chị vừa mới đau xong nên không đi chơi cùng với chúng tôi được.

Sau khi lo xong "nơi ăn chốn ngủ" cho chúng tôi, anh đưa chúng tôi đến thăm anh chị Lợi trước khi sang nhà anh chị Tư-Liễu để cùng đi tắm nước nóng với anh chị Hân, từ Michigan, đã đến đây trước chúng tôi mấy hôm. Hồ nước nóng Helensville cách nhà anh chị Tư-Liễu hơn một giờ lái xe. Trời thật lạnh nên khi nhảy xuống hồ thì rất thú vị. Tôi nhớ lại những lần tắm suối nước nóng ngày xưa với anh chị ĐKChung-Huỳnh, ĐNHùng, và nhiều bạn khác nữa, chúng tôi đã vui đùa, phá phách như ... "giặc". Bây giờ thì không còn ngỗ nghịch như trước. Có lẽ vì tôi đã..."có tuổi" thật rồi chăng!!! Chúng tôi rời Helensville khi hồ sắp đóng cửa, sau khi dặn dò nhau chỗ gặp sáng mai, để đi chơi chung thêm một lần nữa. Trên đường về, anh Long và tôi ôn lại chuyện cũ trong khi vợ con tôi thì ngủ gà ngủ gật ở băng ghế sau.

Sáng hôm sau anh Long đưa chúng tôi đi Mission Bay (MB). Trong lúc chờ anh chị Tư-Liễu chở anh chị Hân đến, chúng tôi đã tiếp tục ôn lại chuyện xưa và chụp hình. Con gái tôi rất thích nói chuyện với bác Hân. Dĩ An nói là Bác Hân "cool" và có "happy face." Ngay tại MB, một trung tâm nuôi Penguin và các loại cá sống tại Nam cực cho du khách thưởng ngoạn, mới được thành lập. Nói là "mới" có nghĩa là khi tôi rời Auckland 30 năm về trước, chưa có trung tâm này. Chúng tôi được xem những chú cá thật lớn trong những hồ nước vĩ đại. MB vẫn đẹp như ngày nào, biển thật xanh điểm vô số cánh buồm đủ màu sắc .

Chúng tôi chia tay với anh chị Tư và anh chị Hân sau khi ăn trưa trên bãi cỏ của MB. Các anh chị về nhà nghỉ, còn chúng tôi thì được anh Long đưa đi thăm phố và trường đại học Auckland. Queen St. đông đúc tấp nập hơn xưa. Building 246 Queen St., tòa nhà cao nhất Auckland ngày nào, nay lại là ngôi nhà thấp nhất của con đường này. Town Hall ngày xưa bây giờ là Bảo Tàng Viện. Bên cạnh là một casino đồ sộ. (Các bạn nào mê Las Vegas có thể đến đây thử thời vận xem sao.) Trường kỹ sư Auckland cũng như toàn khu đại học có thêm nhiều building mới hơn. Ngắm nhìn ngôi trường cũ, tôi không khỏi bồi hồi nhớ đến những năm mài đũng quần trên ghế nhà trường. Tôi đứng lặng một hồi lâu trước trường, bồi hồi nhớ đến những bạn bè ngày xưa. Từ các anh Thông, Chung, Nhật...tới các anh Cảo, Nghĩa, Ưu, Toàn, rồi đến, Hùng, Thanh, Quyền, Xá...



Symonds Street dường như lớn hơn ngày xưa, O"Rocke hall, nơi tôi đã ở hơn 3 năm, không còn nữa, mà thay vào đó là một cao ốc đồ sộ. Tôi xuống xe, đi bộ vào tận nơi mới hay là nay chỉ còn một căn nhà nhỏ của cư xá cũ tồn tại. Khó mà nhận ra được "chốn cũ năm xưa." Ngược đường qua Grafton, International House vẫn còn đó. Anh Long đã nhất định chở tôi đi tìm cho ra "căn nhà lịch sử ," 6 Parkfield Terrace.


Đứng bên kia đường nhìn sang, "căn nhà lịch sử " có vẻ mới mẻ hơn ngày xưa, dường như mới được sơn phết lại. Nhà này đã là nơi cư ngụ lần lượt của rất nhiều "thế hệ" Exkiwi. Từ "năm ông chổng già" Thông, Phương, Nhật, Ninh, Chung, đến Thế, Quang, Điềm, Cảo, Ưu. Rồi lần lượt đến Thanh, Tuyền, tôi... Chúng tôi đã sống với nhau rất vui. Tôi còn nhớ có một lần, một anh trong nhà (xin không nêu tên) đã đi đâu mà bắt được "bò lạc" (chữ của anh này dùng) mang về. Trong lúc cả bọn đang lo học thi mà cười bễ bụng vì những âm thanh lạ lùng trong đêm. Theo anh PNhật thì thời anh ở, đặc điểm của căn nhà này là cứ mỗi cuối tuần, giây phơi quần áo lại có đủ màu sắc; xanh, đỏ, vàng, hồng, tím...rất đẹp mắt, mặc dù lúc nào "trên nguyên tắc" cũng chỉ có "năm ông chổng già" sống với nhau mà thôi !!! (Ai có điều gì thắc mắc, xin hỏi anh Nhật.)

Cũng trong một mùa thi, anh NHĐiềm, khi đã thi xong trước, bèn xung phong nấu cơm "nuôi" cả bọn hơn một tuần, thay vì mỗi đứa phải nấu một ngày như đã phân chia. Một lần khác, TMTuyền bỗng cao hứng, ra dọn dẹp vườn cỏ thật sạch sẽ, gọn gàng, rồi vào than phiền bằng giọng miền Nam rất dễ thương: "Tụi bay lười goá hà, hổng đứa nào chịu làm zường hết chọi, để tao làm một mình, mệt thấy mẹ luông." Một anh chàng khác, hình như là Thanh thì phải, trả lời ngay: "Ơ hay, giường mày ngủ thì mày phải làm chứ còn than phiền gì nữa."

Cũng trong căn nhà này, chúng tôi đã tụ tập làm báo 7ND, đã vụng về, vất vả đánh máy, đã luộm thuộm, lem luốc quay Ronéo trong mấy năm liền. Đây cũng là "trụ sở" của Hội Sinh Viên VN tại Auckland trong nhiều năm.



Tối hôm đó, chúng tôi được gặp rất đông các anh chị Exkiwi kỳ cựu, như chị Dung Burns, anh chị Thuận, chị Heather... và những Exkiwi trẻ hơn như anh Lợi, anh chị Danh. Chúng tôi lại một lần nữa được hàn huyên thỏa thích. Sáng hôm sau chúng tôi từ giã Auckland để bay về Wellington. Buổi tạ từ nào cũng làm vương vấn. Chia tay anh chị Long mà lòng chúng tôi thật bùi ngùi. Hai ngày sống với anh chị, vợ chồng tôi tưởng như đang sống với anh chị ruột của mình vậy.

Anh chị TQDương đón chúng tôi ở phi trường Wellington. Anh chị nhất định chở chúng tôi về nhà, mặc dù tôi đã hẹn phòng ở một hotel gần đó. Anh nói: "Cứ về nhà rồi hãy tính." Nhưng còn tính gì được nữa, khi căn phòng anh chị dành cho chúng tôi có một cái view tuyệt đẹp. Bên ngoài khung cửa sổ là Mt. Victoria mờ mờ, ảo ảo trong cơn mưa phùn. Nhìn qua bên trái một chút là Oriental Bay, xa hơn tí nữa là đại học Victoria. Quả như lời chị Nga đã nói: "Phòng này có cái view đẹp nhất Wellington."

Anh Dương bây giờ là Head of English Department of Wellington Boys College. Chúng tôi ngồi ôn lại những ngày cùng dạy Anh Văn tại London School (LS) ở SàiGòn, nơi tôi đã gặp TH lần đầu. Hồi đó, VT Nghĩa, NT Sơn, NĐ Quang, ĐN Hùng, TQ Dương, LNC Minh, và tôi ban ngày đi làm, buổi tối dạy thêm anh văn ở LS. Trong bọn, tôi bị kết tội là "dụ dỗ học trò" (Chắc là có tội thật!!!) Lần này TH được gặp lại các thầy giáo cũ, nên đem tôi ra "tố khổ" cho bõ ghét.

Sau vài giờ hàn huyên, chị Nga và Thái-Anh, con gái của anh chị, mà còn là tác giả của bài "The Boy Named Cu" đã đăng trong 7ND, đưa chúng tôi xuống phố dạo chơi. Anh Dương phải ở nhà để lo bài vở cho khóa thi mùa Đông. Trời vẫn còn lất phất mưa, phố xá bắt đầu lên đèn. Thái-Anh đề nghị dẫn chúng tôi tới xem trường học của cháu.

Từ Willis Street, chúng tôi vòng qua Lampton Quay rồi đến Parliament Building, tòa nhà gỗ lớn nhất Nam-Bán-Cầu, rồi đến Hobson Street. Queen Margaret College, nơi Thái-Anh đang học năm cuối, nằm đối diện với Colombo Hostel "44 Hobson St." Căn nhà này, ngày xưa đã là nơi cư ngụ của nhiều Exkiwi tại Wellington, trong số này có anh Dương. Theo Thái-Anh thì lúc cháu mới vào học trường này, ngày nào bố cháu cũng đưa cháu đến trường để nhân tiện ngắm lại ngôi nhà cũ mà hồi tưởng lại ngày xưa. Nhà bây giờ là của tư nhân, đã được sửa sang lại, phía trước có những cây hoa Camelia đang rộ nở đủ màu, rất đẹp. Vùng này giờ đây là một trong những khu đắt giá của Wellington.

Ngày hôm sau trời vẫn còn mưa, tôi đưa vợ con đi Te-PaPa, một bảo tàng viện mới của thành phố bằng bus, rồi đón Cable Car lên thăm Victoria University. Đại học Victoria bây giờ có rất nhiều sinh viên Á châu, đặc biệt là người Nhật. Những building cũ vẫn còn, tuy nhiên nhiều ngôi giảng đường mới làm tôi hơi ngỡ ngàng một chút.

Tôi vẫn từng kể cho TH nghe về quán icecream, dướI chân trạm Cable Car bên sân banh, nơi mà ngày xưa Exkiwi tụ họp mỗi chiều tan học. Đây có lẽ là nơi mà NDNgôn đã được đặt tên là "Bé Nhôn" và cũng là nơi đã làm cho mỗi chàng SVVN tăng chừng 20 pounds trong vòng ba tháng học anh văn, trong số đó có tôi. Bây giờ "quán xưa" vẫn còn đó, nhưng chỉ là một căn chòi lạnh lẽo dùng để chứa đồ mà thôi. Thật là tiếc! Tôi không được dịp ăn lại icecream nơi đây để xem có còn ngon như 30 năm trước không. Tôi nhớ lại cũng nơi này, ĐNHùng chiều nào cũng xách hai cái cặp thật to, một cái của mình, còn cái kia thì của ai đó...

Ngày cuối cùng của chúng tôi ở Wellington trời thật đẹp, đúng là "sau cơn mưa trời lại sáng." Chị Nga đưa vợ chồng tôi lên lại ĐH Victoria bằng đường tắt từ nhà chị, trong khi Thái-Anh đưa Dĩ-An đến trường của cháu suốt một ngày. Leo lên được nửa đường, tôi mệt muốn đứt hơi, mà TH với chị thì cứ tỉnh bơ, làm như không có gì xảy ra. Tôi mới nhớ ra là tối hôm trước chị Nga và nhà tôi đã đi bơi đến nửa khuya mới về, trong lúc tôi làm biếng, đã leo lên giường ngủ khò sau buổi cơm tối.

Vào đến Cafeteria, chúng tôi được chị chỉ cho một chỗ ngồi thật lý tưởng để ngắm Wellington. Nếu không có chị, thì không tài nào tôi biết được nơi này. Theo chị thì đây là nơi anh Dương và chị đã "hẹn hò" nhau mỗi buổi trưa trong thời gian anh chị mới qua NZ năm 90. Sau màn giới thiệu nhiều chỗ mới của trường, chị đưa chúng tôi về phố bằng cable car để đi ăn trưa với anh PLTấn. Ăn xong, chị về, còn tôi đón xe bus đưa vợ tôi lên Mt. Victoria.

Đứng trên đỉnh Mt Victoria, TH hỏi tôi về một câu chuyện mà NTQuyền vẫn kể đi kể lại cho nàng nghe mỗi khi nhắc đến Wellington. Theo Quyền, nhân vật chính trong chuyện là tôi, đã chở "đào" lên Mt Victoria xem cảnh. Trong lúc đang ở trên đồi, không biết "táy máy" làm sao mà xe tuột dốc, suýt chết. Thật tình mà nói chính tôi cũng không nhớ là chuyện có thật đã xảy ra hay không nữa. Tôi chỉ biết lắc đầu mỉm cười mà thôi, vì tôi có nói gì đi nữa thì nàng cũng vẫn tin Quyền hơn là tin tôi!

Tối đến anh Dương chở cả nhà đi một vòng Oriental Bay xem biển về đêm, rồi anh lại đưa chúng tôi lên Mt Victoria để ngắm Wellington-by-night. Trời mưa lất phất và rất lạnh. Phe nữ co ro leo lên đồi trong khi tôi với anh Dương cũng không khá gì hơn. Thật là một buổi tối khó quên! Wellington vẫn là thành phố đẹp nhất NZ trong tôi! Sáng hôm sau chúng tôi lại lên đường đi Christchurch.

Trên đường từ phi trường về khách sạn, chúng tôi đã yêu cầu bác taxi cho đi một vòng coi "Cái-Chợ" trong mưa gió. Bác taxi rất vui tính, vừa lái xe vừa làm tour guide. Vậy đó, mà khi tôi tặng bác tip, bác đã lắc đầu từ chối, bảo là không có tục lệ nhận tip ở đây. (Phải chi mà bên Pháp cũng có tục lệ này thì hay biết mấy!)

Vừa cho xong hành lý vào phòng thì điện thoại đã reo. Giọng anh LNCMinh vui vẻ niềm nở chào mừng. Anh chờ từ sáng mà vẫn chưa thấy tôi gọi nên nóng lòng tìm kiếm. Anh hẹn sẽ đón chúng tôi đi ăn tối lúc 6 giờ.

TH nhận ra ngay "ông thầy cũ" của LS ngày xưa khi anh Minh đón chúng tôi trước cửa khách sạn. Theo vợ tôi thì anh Minh vẫn như xưa. Vẫn trắng trẻo, đẹp trai như ngày nào. Anh chị và cô con gái Valerie đưa chúng tôi đến một nhà hàng Tàu rất lớn dùng cơm tối. Ăn xong anh chở về nhà chơi đến quá nửa khuya mới trả chúng tôi về lại khách sạn, mặc dù hôm sau cả anh chị đều phải đi làm .

Trong khi Dĩ An cùng Valerie và các bạn của cháu, mới từ Dunedin kéo về đầy một nhà nghỉ winter break, đi xem movie thì chúng tôi ở nhà được xem một đoạn video ngắn về thành tích cấy giống bò NZ cho ngành gia súc VN. Anh Minh vừa hoàn tất một chương trình gây giống bò mới tại quê tôi ở Sơn Tây. Anh đã nghiên cứu và thành công trong việc cấy tinh trùng vào noãn bò cái thành "phôi" tại NZ. Anh đem "phôi" về VN gây giống trong bụng bò cái. Bò con NZ lớn lên trong bụng bò mẹ VN khi ra đời, có năng suất cho sữa và thịt gần 50 lần hơn bò nguyên giống tại VN. Chương trình này có một tầm vóc vô cùng quan trọng cho nền chăn nuôi của VN. Tuy nhiên chị Dung tuyên bố rằng: "Đây là dự án cuối cùng của anh Minh về VN" vì theo chị thì lỡ anh Minh không những làm Bò VN có bầu, mà còn làm cho các bà các cô VN có bầu thì nguy quá. Phải nghe được chị Dung nhái giọng Quảng khi nói câu này mới thấy câu nói thật là ngộ nghĩnh.

Ngày hôm sau trời ngưng mưa, chúng tôi đi thăm cảnh nơi đây. Sông Avon vẫn đẹp tuy rất nhỏ. Trường Canteburry lớn nhưng không ồn ào như những đại học ở Mỹ. "Cái-Chợ" làm tôi nhớ đến một bài hát của Phạm Duy: "Đi dăm phút, đã về chốn cũ." Tôi bỗng "ngộ" ra câu nói của anh NTSơn hôm ở Brisbane. Theo anh "những ngày đi học ở Christchurch là những ngày bị đi đày, vừa buồn vừa phí cả tuổi xanh." Mà thật vậy, CC trời mưa buồn ơi là buồn. Có lẽ nơi đây thích hợp cho những ai muốn đi tu hơn là những cô cậu thanh niên mới lớn. Hiện giờ, Exkiwi chúng ta chỉ còn gia đình anh chị Minh ở CC. Nếu bạn đến đây, sẽ được anh chị tiếp đón nồng hậu, chu đáo, dù thân hay sơ. Trên phòng game room của anh chị, nhiều bộ kiếm hiệp của hội SVVN @ CC có dấu ấn năm 1958 vẫn còn nằm trên kệ sách.

Thời gian nghỉ phép đã hết. Ba tuần trôi qua như chớp mắt. Sau buổi cơm tối cuối cùng tại CC với anh chị Minh, chúng tôi chia tay để ngày hôm sau trở lại Auckland đáp máy bay trở về Mỹ. Trong ba tuần đi tìm lại kỷ niệm, tôi đã gặp lại nhiều bạn cũ, hâm nóng lại tình thân hữu ngày xưa. Ba tuần thật ngắn ngủi nhưng đầy hạnh phúc.

Những tháng ngày đi học xa nhà ngày xưa tuy có lúc cực khổ, thiếu thốn nhưng cũng có rất nhiều kỷ niệm vui. Với tôi thì vui nhiều hơn buồn. Xin cám ơn tất cả những người bạn tôi đã gặp trong chuyến đi này. Ai cũng đã đem lại cho tôi niềm hạnh phúc thân thương.

Trên chuyến bay đưa chúng tôi trở lại Mỹ, tôi vẫn không tìm ra cách giải thích chữ "chổng" mà con gái tôi đã thắc mắc trên chặng đường dài. Anh Ưu đã tạm giải thích cho Minh và Dĩ-An là: "Những ngày đẹp trời, các bác đem quần áo sạch ra giặt lại..." Dĩ-An đã lắc đầu nói với tôi: "Chổng boring quá mà sao các bác và bố cứ nhắc hoài." Rồi nhún vai, con gái tôi nói tiếp: "I really can"t understand you guys!!!" Vậy đó mà khi hỏi có đi dự Exkiwi Reunion 2001 không, con gái tôi đã không cần suy nghĩ, đáp ngay: "Đi chứ!"

July, 2000

A message from anh Long:

Vào dịp cuối năm 2001 và đầu năm 2002
Dù ai bận rộn trăm bề
Nhớ ngày HộI CHỔNG thì về cố hương (chổng tiếp)

No comments:

Post a Comment