Monday, June 13, 2016

Theo Dấu Chân Phật - Hành Hương Tại Ấn Độ và Nepal (DTK)

  • Kỳ 1: Theo Dấu Chân Phật - Hành Hương Tại Ấn Độ và Nepal
  • Kỳ 2: Thăm Viếng Varanasi, Thành Phố Linh Thiêng.
  • Kỳ 3: Một Trong Bốn Thánh Tích Phật Giáo: Vườn Lộc Uyển (hay Vườn Nai) (Sarnath)
  • Kỳ 4: Bồ Đề Đạo Tràng - Nơi Đức Phật Thành Đạo
  • Kỳ 5: Bồ Đề Đạo Tràng (Tiếp Theo)
  • Kỳ 6: Gặp Đức Karmapa Thứ 17 của Tây Tạng và Đi Thăm Làng Uruvela
  • Kỳ 7: Di Tích Thành Vương Xá (Rajgir) và Ngọn Núi Linh Thứu Thiêng Liêng
  • Kỳ 8: Di Tích Thành Vương Xá Tiếp Theo: Đại Học Phật Giáo Nalanda
  • Kỳ 9: Thánh Tích Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini Grove): Nơi Đức Phật Đản Sanh
  • Kỳ 10 và Chót: Thánh Tích Câu-Thi-Na (Kushinagar) Nơi Đức Phật Nhập Niết Bàn
  • Kỳ 10 và Chót: Thánh Tích Câu-Thi-Na (Kushinagar) Nơi Đức Phật Nhập Niết Bàn

    Vào một sáng sớm chủ Nhật phái đoàn 31 người chúng tôi rời thành Xá Vệ Rajgir để đi đến Câu-Thi-Na, nơi Đức Phật nhập Niết Bàn từ giã cõi trần gian lần cuối. Trên đường đi, xe bus đã đi ngang qua thành phố Patna, bây giờ là thủ đô của tiểu bang Bihar, Ấn Độ, thành phố Vaishali và một số di tích cũng như địa danh quan trọng, như cây cầu Mahatma Gandhi dài 5.5 km, Tháp Phật giáo Kesariya lớn nhất Ấn Độ, trụ đá Ashoka còn nguyên vẹn với tượng đầu con sư tử nằm trên nóc trụ, nhìn về hướng Bắc là hướng Đức Phật đi bộ từ thành Xá Vệ Rajgir, qua Patna, qua Vaishali và đến Câu-Thi-Na (Kushinagar) là nơi dừng chân cuối cùng của Ngài. Sau khi thành đạo, trong suốt 45 năm sau đó Đức Phật đã đi khắp các miền đồng bằng bụi bặm của thung lũng sông Hằng để hoằng pháp độ sanh. Đức Phật biết trước 3 tháng ngày mình nhập diệt. Vì thế tại thành phố Vaishali Đức Phật giảng cho Tăng đoàn về nguyên lý Vô Thường của vạn vật, tuyên bố rằng thân tứ đại của Ngài cũng không tránh được luật Vô thường sinh trụ dị diệt, và Ngài sẽ nhập Niết Bàn tại làng Câu-Thi-Na trong rừng cây Sa La. Làng Câu-Thi-Na nay trở thành một trong bốn thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo. Đối với Phật tử khắp nơi, Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật thành đạo dưới cội Bồ Đề và Câu-Thi-Na nơi Đức Phật nhập Niết Bàn là hai nơi để lại những cảm xúc bồi hồi và biết ơn Phật nhiều nhất. Tại Câu-Thi-Na, người viết đã không nén được cảm xúc dâng trào khi chiêm bái đăm đăm tượng Ngài nằm nhập diệt trong tư thế bình thản an nhiên tự tại. Lòng biết ơn Phật tràn ngập trong lòng. Câu-Thi-Na là nơi trời và người đều khóc buồn bã tiễn biệt đấng Từ phụ.


    Trên đường đi đến Câu-Thi-Na chúng tôi ghé thăm Tháp Phật giáo Kesariya. Tháp này do vua A-Dục (Ashoka) xây để đánh dấu nơi Đức Phật đi qua trước khi Ngài nhập Niết Bàn. Tháp Kesariya là một trong những tháp Phật giáo lớn nhất Ấn Độ. Hình chụp đa số các tượng Phật đã bị quân Hồi giáo đập bể, số tượng còn lại thì bị chặt đầu, đánh dấu thời kỳ mạt pháp của Phật giáo tại Ấn Độ.


    Thánh tích Câu-Thi-Na ngày nay nằm trong một thị trấn nhỏ mang tên Kasia. Kasia không có những trung tâm thương mại lớn, không có vẻ lộng lẫy phồn hoa đô hội của những thành phố lớn của Ấn Độ. Nhưng điều này không cần thiết, Phật tử khắp nơi trên thế giới tìm đến Câu-Thi-Na để được chiêm ngưỡng di tích thiêng liêng nhất, đó là Tháp Niết Bàn (Mahaparinirvana Stupa) và Chùa Niết Bàn (Mahaparinirvana Temple) xây sát cạnh nhau trên cùng một nền móng (Hình dưới)


    Hình chụp Tháp Niết Bàn xây đằng sau Chùa Niết Bàn. Tháp Niết Bàn có kiến trúc hình trụ với mái hình vòm tròn (dome); Chùa Niết Bàn có kiến trúc khác lạ hơn, hình lăng trụ với 4 cửa sổ lớn hình tròn trông ra 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Tháp và Chùa Niết Bàn nguyên thủy, do vua Ashoka xây, đã bị quân xâm lăng Hồi giáo đập phá và thiêu rụi vào thế kỷ 12. Hai tòa kiến trúc mới này được xây lại trên nền móng cũ vào đầu thế kỷ 20.


    Người viết và bà xã chụp hình kỷ niệm ở phía ngoài Chùa Niết Bàn trước khi vào bên trong chiêm bái tượng Đức Phật nằm trước khi Ngài nhập Niết Bàn. Phía sau một số người trong đoàn thư giãn trong ánh nắng mai trước khi vào Chùa.


    Hình chụp tượng Đức Phật trong tư thế nằm nhập Niết Bàn. Ngài quay đầu về hướng Bắc, mặt nhìn hướng Tây, bình thản an nhiên tự tại trước giây phút nhập diệt. Dựa vào tường Chùa Niết Bàn là các thành viên của đoàn đang ngồi thiền định, quán tưởng về cuộc đời Đức Phật trong im lặng, tỉnh thức.


    Toàn thân tượng Phật nằm. Pho tượng dài 6 m, nguyên thủy được khắc từ một tảng đá đen nhưng nay đã trở thành mầu vàng óng ả do các Phật tử hành hương dùng vàng lá phết lên tượng Phật để tỏ lòng kính ngưỡng kim thân của Ngài. Trong Chùa Niết Bàn chỉ thờ duy nhất pho tượng này. Người ta cho rằng đây là một trong những kiệt tác về nghệ thuật đúc tượng Phật của Ấn Độ và thế giới.


    Mọi người trong đoàn chúng tôi tự động xếp hàng đi nhiễu quanh tượng Phật ba vòng về phía tay phải (chiều kim đồng hồ) theo nghi thức Phật giáo để tỏ lòng kính ngưỡng một bậc Đạo Sư vĩ đại của nhân loại từ giã trần gian này lần cuối. Trong hình, người đi đầu là Tanya T., a fine art Restorer (chuyên phục hồi lại oil paintings cho các viện bảo tàng). Tanya có studio riêng tại California. Đằng sau là Robert Z., luật sư về Business & Trade Litigation từ Minnesota. Người đang đọc kinh đứng gần cửa là Shreyas P., bác sĩ chuyên ngành Neurology tại Massachusetts. Bên cạnh Shreyas hai tín nữ đang quỳ chấp tay chiêm ngưỡng tượng Phật nhập Niết Bàn. Trong Chùa không nghe một tiếng động.


    Một tín nữ đang lặng lẽ rải hoa cúng dường dưới chân Phật.


    Người viết mời một nhà sư Ấn Độ trẻ chụp hình kỷ niệm. Vị Tăng sĩ này cho biết hôm nay đến Chùa Niết Bàn để làm công quả. Nhà sư cũng nói có lần đến thăm Việt Nam và rất thích chùa chiền ở VN. Đằng sau hai người là một đám học trò Ấn Độ đi chiêm bái thánh tích Phật nhập Niết Bàn. Tuy từ một thị trấn nhỏ và nghèo của Câu-Thi-Na, các em học sinh cũng mặc đồng phục chỉnh tề, xếp hàng  trật tự đi nhiễu quanh Phật trong kính cẩn và im lặng. Cử chỉ lễ phép và tôn trọng của các em phản ảnh thầy giáo, cô giáo Ấn đã dạy cho các em ý thức về công dân giáo dục và hạnh kiểm tốt.

    Đọan Kết

    Cuộc hành hương của đoàn chúng tôi đến đây chấm dứt. Mọi người đáp chuyến máy bay chung lần chót về lại New Delhi. Ai cũng cảm thấy bồi hồi luyến tiếc sự kết thúc của cuộc hành trình tâm linh tuyệt vời. Nhưng mỗi người phải trở về thế giới thực tại của mình, để sửa sọan hồi hương, hoặc tiếp tục đi du lịch thêm trên đất Ấn. Trong đoàn có người ở lại thêm một tháng để làm thiện nguyện, có người đi du lịch tiếp miền Nam Ấn Độ, có người đi thăm hang động, có người đi thăm ngôi đền nổi tiếng thế giới Taj Mahal - trong đó có chúng tôi.


    Taj Mahal được xây bằng tình yêu bất diệt. Một "Lâu đài tình ái". Viên ngọc của Ấn Độ. Điểm du lịch cuối cùng của chúng tôi. "...Anh kết lầu hoa bằng thơ tình ái. Cho mắt em xanh đến tận muôn đời..."


    Bên phải là cặp vợ chồng người bạn chúng tôi ở Knoxville. Fred M. là Professor Emeritus của Đại học Tennessee, một Phật tử và học giả uyên thâm Phật học. Marcia M. là Mục sư nhà thờ Tin Lành. Fred và Marcia đã sẵn sàng chờ chúng tôi một năm để đi hành hương Ấn Độ chung với nhau. Hình chụp bốn người ngồi nghỉ chân sau khi viếng thăm ngôi đền Taj Mahal.


    Để kỷ niệm cuộc hành trình tâm linh sắp kết thúc, vào ngày cuối trong giờ ăn trưa, Shantum loan báo và đề nghị mỗi người làm một bài thơ hay bài hát để đóng góp cho buổi "Khép Lại Vòng Tròn" (Closing Circle) vào chiều hôm đó. Buổi chiều chúng tôi lên xe bus đến Tháp Angulimala (Tháp thờ Tôn giả Vô Não, mệnh danh là "Kẻ cướp quăng dao thành Phật"). Tại đây chúng tôi ngồi thành vòng tròn, và sau thời thiền định, luân phiên nhau chia sẻ bài thơ, bài hát, hay bài nói chuyện, bộc lộ những cảm xúc, rung động, ý nghĩ của từng cá nhân về chuyến đi. Có nhiều nụ cười, có cả nước mắt. Vậy xin ghi lại dưới đây bài thơ tiếng Anh người viết đã làm, mang tựa đề "Awakening", như dư âm của một chuyến hành hương kỳ thú.

                                             Awakening

              In the footsteps of the Buddha I began a spiritual journey
              to the Holy sites,
              Enlivened the history of the passage of time.
              The Earth, Water, Air and Fire (1)
              And Feeling, Perception, Mental Formations and Consciousness
              are but flashes of light. (2)
              Suffering, Impermanence, Emptiness and No-Self,
              I heard the Blessed One's teachings in each step of myself.
                                                                                
                                                                                          DTK

    (1) Đất, nước, gió, lửa là tứ đại, bốn yếu tố tạo thành phần vật chất của con người. Danh từ Phật học gọi phần vật chất là Sắc.
    (2) Thọ, Tưởng, Hành và Thức là bốn yếu tố tạo thành phần tinh thần của con người. Tổng hợp vật chất và tinh thần, Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thành Ngũ Uẩn, là con người.

    Một lần trong đời được theo dấu chân Phật. Ước mơ đã trọn. Dẫu biết rằng bước chân tâm linh vẫn còn phải tiếp tục. Trong cuốn "Từ Nguồn Diệu Pháp" Ni sư Thích Nữ Trí Hải đã tìm được Đạo khi Ni sư viết:

    "Chỉ trong địa hạt tâm linh, niềm vui của ta mới không phải trả giá bằng nỗi khổ của người, mà còn tỏa rộng bóng mát của nó cho mọi kẻ chung quanh."

    Cám ơn và thân chào các bạn.

    DTK

    Kỳ 9: Thánh Tích Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini Grove): Nơi Đức Phật Đản Sanh

    Vườn Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật đản sanh nằm trong biên giới quốc gia Nepal, nên từ Ấn Độ sang đoàn chúng tôi phải qua hai trạm kiểm sóat di trú sát nhau, một ở Sonauli (Ấn Độ) và một ở Belahiya (Nepal). Từ trạm biên giới vào vườn Lâm Tỳ Ni cũng không xa lắm, khoảng 26 km về hướng Bắc. Ngày nay Lâm Tỳ Ni được Liên Hiệp Quốc công nhận là một di sản văn hóa thế giới (World Heritage site).


    Biên giới Ấn Độ - Nepal đông nghẹt người chen lấn với xe vận tải, xe đò, xe hơi và xe gắn máy. Mặt đường lại bị các cửa hàng đủ loại lấn chiếm. Hình chụp từ xe bus nhìn xuống. Người mặc áo xanh lá cây trong hình là hướng dẫn viên phụ Jagdish Chamola đang ra dấu cho tài xế xe bus của chúng tôi tìm cách vượt xe vận tải chở hàng bên trái, xe van ở giữa và xe đò chở hành khách ngược chiều. Bên cạnh xe đò là bảng STOP của trạm kiểm sóat di trú Ấn Độ. Chúng tôi mất hơn một tiếng làm thủ tục Visa tại biên giới trước khi leo lên xe bus trực chỉ Lumbini. 

    Thánh địa Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật đản sanh ngày nay chỉ là một tỉnh nhỏ nằm cuối phía Nam của Nepal, gần biên giới Ấn Độ. Lịch sử ghi rằng vào năm 563 trước Tây lịch, hoàng hậu Ma Da (Mahamaya) vợ vua Tịnh Phạn (King Suddhodana) lúc đó đang mang thai gần đến ngày sanh, và xin với vua về quê ngoại để sinh con theo với tục lệ thời đó. Hoàng hậu và đoàn tỳ nữ tháp tùng nghỉ chân tại vườn Lâm Tỳ Ni, một vườn ngự uyển tuyệt đẹp. Khi hoàng hậu Ma Da vịn tay lên cành của cây hoa Vô Ưu thì hoàng hậu sanh Thái tử Tất Đạt Đa (Prince Siddhartha), người về sau thành Phật. Đó là vào ngày Rằm tháng Hai Ấn Độ, tức Rằm tháng Tư Âm lịch. Lúc sinh Thái tử, đại địa chấn động, hoa trời rải xuống như mưa tỏa ngát hương thơm ngào ngạt và trên không chư Thiên trổi nhạc trời đón chào. Sau khi lọt lòng mẹ, Thái tử đứng dậy đi bảy bước về bốn phương trời và nói Ta thị hiện cõi đời này là lần cuối. 

    Sau khi dòng họ Thích Ca bị diệt vong thì vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật đản sanh, chóng trở thành hoang phế. Ngài Pháp Hiền (Fa Hien) vào thế kỷ thứ 5 Dương lịch đến thăm nơi này thì ngài đã kinh ngạc khi thấy rừng hoang đã nuốt trọn vườn Lâm Tỳ Ni. Phải chờ đến đầu thế kỷ 19 khi các nhà khảo cổ khai quật và tìm ra di tích Lâm Tỳ Ni thì người ta mới lại chú ý đến thánh địa này. 

    Đoàn chúng tôi đến thăm Lâm Tỳ Ni vào một buổi sáng trời đẹp, khí hậu rất dễ chịu vì là đầu mùa Xuân. Và Lâm Tỳ Ni nằm gần rặng Hy Mã Lạp Sơn.


    Đường vào Lâm Tỳ Ni khách hành hương có thể đi bộ hoặc thuê ca nô. Vì trời đẹp và có gió mát, người viết và một số bạn trong đoàn chọn đi bộ. Dọc hai bên bờ kênh nhân tạo và ẩn sau các rặng cây là những chùa, tháp, tự viện của nhiều quốc gia khác nhau được xây tại đây để phô trương văn hóa Phật giáo của quốc gia họ.


    Hình ảnh của thế kỷ 21: Khách hành hương phải qua cổng an ninh và nhân viên an ninh khám ba lô, túi xách. Thánh địa nơi Phật đản sanh cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Hình chụp Hugh D., một thương gia từ Louisiana, đang mở xách tay trước khi đi qua scanner trong khi nữ nhân viên khám ba lô.


    Tòa nhà trắng trong hình là đền thờ Hoàng hậu Ma-Da, mẹ của Đức Phật. Khách viếng thăm không được phép chụp hình khi ở trong đền. Di tích chính trong đền là một phiến đá lớn khắc họa lại cảnh Đức Phật đản sinh, và phía dưới là một tảng đá đánh dấu chính xác nơi Ngài đản sinh do vua A-Dục đã đánh dấu bằng tảng đá đó. Hồ nước trong hình là nơi Hoàng hậu tắm trước khi sanh Thái tử. Theo huyền sử đây cũng là hồ mà hai con rồng hiện lên phun nước tắm cho Phật sơ sinh. Nhìn kỹ bên trái đền là trụ đá do vua A-Dục (Asoka) xây khi nhà vua đến viếng thăm thánh địa Lâm Tỳ Ni


    Trụ đá vua A-Dục (Asoka) tuy bị gãy nhưng đa số còn nguyên vẹn, kể cả những giòng chữ khắc sắc lệnh của vua A-Dục trên trụ đá. Cũng nhờ hai nhà khảo cổ người Đức khai quật trụ đá (vài ngàn năm tuổi) mới phát hiện chắc chắn đây là nơi đản sanh của Đức Phật.


    Trong vườn Lâm Tỳ Ni những lá cờ Phật giáo 5 mầu và những lá phướn cầu nguyện của Phật tử Tây Tạng giăng khắp nơi tung bay trong gió tạo bầu không khí vui mừng, hạnh phúc trong sự bình an.


    Dưới bóng mát của cây Bồ đề trong vườn Lâm Tỳ Ni đoàn chúng tôi ngồi thiền, quán tưởng đến công ơn sâu dầy của Đức Thế Tôn. Sau đó nghe đọc kinh, và cuối cùng làm lễ Quy Y Tam Bảo cho 5 Phật tử mới. Buổi lễ mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt đối với Phật tử mới và đoàn chúng tôi. Hình chụp Robert Z., luật sư về Business & Trade Litigation từ Minnesota, đang làm lễ Quy Y Tam Bảo trước giáo thọ Shantum người đã được Sư Ông Nhất Hạnh truyền giới.


    JoAnn C., cô giáo từ Alaska, sau khi làm lễ Quy Y Tam Bảo đang nhận món quà từ giáo thọ Shantum. Chồng của JoAnn là Steve C., theo đạo Baha'i, cũng đi trong chuyến hành hương này.


    Trên đường đi thăm thành phố Ca-Tỳ-La-Vệ (Kapilavastu), kinh đô cũ của vương quốc dòng họ Thích Ca, chúng tôi đến thăm một di tích khảo cổ, xây cách đây hàng thế kỷ, để ghi dấu nơi Đức Phật lớn lên trong Hoàng cung thời niên thiếu trước khi cắt tóc đi tu. Hình chụp các nhà sư tại di tích khảo cổ ngồi đọc kinh dưới nắng.


    (Kỳ tới và chót: Thánh Tích Câu-Thi-Na - Nơi Đức Phật Nhập Niết Bàn)

    DTK

    Kỳ 8: Di Tích Thành Vương Xá Tiếp Theo: Đại Học Phật Giáo Nalanda

    Vào một buổi chiều rất đẹp đầy nắng, đoàn chúng tôi đi thăm di tích Đại học Na-Lan-Đà (Nalanda Monastic University). Lúc này miền Bắc Ấn Độ đang vào đầu Xuân nên khí hậu mát mẻ rất dễ chịu. Đại học Phật giáo Na-Lan-Đà chỉ cách thành Vương Xá 11 km về hướng Bắc. Dưới ánh nắng chan hòa, những phế tích còn lại của một đại học nổi tiếng nhất Ấn Độ với nền móng, tường, tịnh xá, chùa tháp, tu viện, giảng đường, thư viện và cư xá sinh viên bằng đá hay gạch đỏ nằm giữa những bãi cỏ xanh mướt trông bồi hồi ngỡ ngàng đến siêu hiện thực.  Khuôn viên rộng lớn đông đúc của một đại học xa xưa giờ đây không một bóng người, ngoại trừ một số du khách và đoàn người hành hương. Khách tưởng chừng như Từ Thức lạc thiên thai - surreal!

    Có một thời quốc gia Ấn đã rất hãnh diện với thế giới về lối kiến trúc đồ sộ và huy hoàng của đại học Na-Lan-Đà. Trong khuôn viên bao la của đại học Phật giáo Na-Lan-Đà đã từng có 3 thư viện, trong đó một thư viện cao đến 9 tầng, 11 tịnh xá, 5 ngôi chùa và hàng chục ngàn cư xá cho sinh viên và ban giảng huấn. Thế kỷ thứ 9 là thời cực thịnh của đại học. Lúc đó có đến 10,000 sinh viên (gồm tu sĩ và không tu sĩ), 2,000 giáo sư và nhân viên giảng huấn. Những sinh viên Phật giáo ưu tú nhất trong và ngoài nước đều đổ về đây học. Từ thời đó, ngoài kinh điển Phật giáo, sinh viên còn được khuyến khích học những môn khác như triết học, tranh luận, và ngành thuốc. Trong số sinh viên ưu tú đã có ngài Huyền Trang (Hiuen Tsang, Đường Tam Tạng trong tập truyện bất hủ Tây Du Ký) từ Trung Hoa đến học vào thế kỷ thứ 7.


    Hình chụp Tu Viện chính và các tháp còn sót lại. Khuôn viên đại học Na-Lan-Đà giờ đây chỉ còn lại những phế tích, như nền các ngôi tháp, tường gạch và những bậc  thang dẫn lên các tịnh xá.

    Vào cuối thế kỷ thứ 12 đại học Na-Lan-Đà bị quân xâm lăng Hồi giáo tàn phá tan hoang. Những gì không đập phá được thì bị đốt cháy để xóa Na-Lan-Đà khỏi bản đồ Ấn. (Chính sách tàn phá dã man thành bình địa của quân Hồi giáo cực đoan, đau buồn thay, vẫn còn được thi hành trong thế kỷ 21 hiện tại). May thay một số sách quý của thư viện được các nhà sư chạy thoát ôm theo, và bây giờ trở thành kho tàng quý báu cho Phật giáo và văn hóa nhân loại. Nhưng cũng không may cho Phật giáo, sự hủy diệt đại học Na-Lan-Đà qua cuộc tàn sát đẫm máu và phi văn hóa của Hồi giáo đã đánh dấu thời kỳ mạt pháp suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ.


    Di tích còn lại của giảng đường và phòng ốc trong khuôn viên đại học.


    Hình chụp một dãy cư xá sinh viên xây bằng gạch. Hành lang dẫn vào cư xá trông khá rộng rãi.


    Phòng của một cư xá sinh viên. Lỗ hổng trên tường là chỗ đặt đèn dầu ban đêm. Phía trong đủ rộng để kê giường và bàn học . So với nếp sống chật vật của người dân thời đó, cư xá thuộc vào hạng khang trang, đầy đủ tiện nghi.


    Hình chụp tại khách sạn Indo-Hokke trong thành Vương Xá (thành phố Rajgir ngày nay). Trên chặng đường hành hương đoàn chúng tôi đều bắt đầu mỗi ngày bằng thiền tọa sau đó đi thiền hành, từ 45 phút cho đến một tiếng vào lúc sáng sớm trước khi dùng điểm tâm. Shantum đang hướng dẫn tọa thiền. Khi thân và tâm an tịnh thì tâm bồ đề, lòng từ bi và tình thương dễ mở rộng làm cho ngày được an vui và hạnh phúc hơn.


    Bảng giá vé vào thăm di tích đại học: người Ấn trả 5 rupees (10 cents), khách ngoại quốc phải trả 100 rupees ($ 2.00). Lúc xưa khi tác giả lần đầu tiên về VN năm 1996 cũng vậy, ở những địa điểm du lịch Việt kiều phải trả gấp đôi, gấp ba người trong nước, so sánh VN cũng kỳ thị nhưng ít hơn Ấn Độ.


    Người ta thường chọn công viên đẹp, hay vườn hoa rực rỡ đủ mầu hoặc hồ sen tươi mát để làm hậu cảnh chụp hình đám cưới. Nhưng cô dâu chú rể Ấn Độ này lại chọn nơi phế tích đổ nát để chụp hình đám cưới. Ở ngoài cô dâu trông rất quyến rũ, sang trọng trong chiếc áo cưới may bằng lụa Sari truyền thống của phụ nữ Ấn. Chú Rể đi bên cạnh tươi cười hãnh diện. Vội bấm một tấm hình để chúc mừng hạnh phúc lứa đôi giữa cảnh vô thường.


    Lúc ra về chúng tôi gặp một toán học sinh Ấn Độ đi field trip viếng thăm di tích Đại học Na-Lan-Đà. Với những nụ cười sẵn nở trên môi, tuổi trẻ ở đâu cũng yêu đời một cách hồn nhiên trong trắng. Tuy sống trong thành phố Rajgir nhỏ, các em đều mặc đồng phục rất chỉnh tề. Hơi tiếc khi nhìn các bộ đồng phục này dường như còn phảng phất dấu vết của thời thuộc địa Anh. Bộ đồng phục may theo truyền thống Ấn Độ của hai em nữ sinh đứng nói chuyện giữa ảnh coi bộ đẹp và ý nghĩa hơn.


    (Kỳ tới: Thánh Tích Vườn Lâm Tỳ Ni, Nơi Đức Phật Đản Sanh)

    DTK

    Kỳ 7: Di Tích Thành Vương Xá (Rajgir) và Ngọn Núi Linh Thứu Thiêng Liêng

    Vào thời Đức Phật còn tại thế cách đây trên 2500 năm, thành Vương Xá có tên là Rajagaha; tên mới bây giờ là Rajgir. Vương Xá khi xưa là kinh đô của nước Ma Kiệt Đà (Magadha) do vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) cai trị. Đức Phật đã lưu trú tại đây nhiều nhất trong suốt 45 năm hoằng pháp của Ngài, chỉ thua thành Xá Vệ (tên cũ Savatthi, tên mới Sravasti) của nước Kiều Tát La (Kosala). Chính nơi đây trong thành Vương Xá này Đức Phật đã gặp hai đại đệ tử của Ngài: Trưởng lão Xã Lợi Phất nổi tiếng là bậc trí tuệ đệ nhất và Tôn Giả Mục Kiền Liên nổi tiếng là bậc thần thông đệ nhất. Và đây là nơi mà Đề Bà Đạt Đa, em cùng cha khác mẹ của Phật, đã xô tảng đá để mưu giết Phật nhưng không thành. Vương Xá thành cũng là nơi Đề Bà Đạt Đa thả con voi say rượu để tìm cách hại Phật. Lành thay, Đức Phật đã đưa tay cảm hóa khiến voi say phủ phục dưới chân Ngài. 

    Thành Vương Xá đóng vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành kinh điển của Phật giáo. Đó là nơi Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần thứ nhất của Phật giáo đã diễn ra, 3 tháng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Đại hội kết tập này do ngài Trưởng lão Đại Ca Diếp khởi xướng cùng với 500 vị Tỳ kheo đã đắc quả A La Hán. Mục đích là để tuyên lại những lời Phật dạy (và kết tập thành Kinh tạng); tuyên lại những giới luật Phật đã đặt ra (và kết tập thành Luật tạng). Ngài A Nan Đà lo về Kinh tạng và Ngài Ưu Bà Li lo về Luật tạng; hai ngài đã có công rất lớn trong kỳ kết tập đầu tiên này trên một ngọn núi nằm ngoài thành Vương Xá.

    Thành Vương Xá lúc trước rất trù phú, đông dân và giàu có, nhưng nay kinh đô tráng lệ này đã đổ nát theo vết bụi thời gian, chỉ còn là một thị trấn nhỏ và nghèo, sót lại những di tích Phật giáo nổi tiếng của một thời. Như "Vạn lý trường thành" bằng đá, Vườn Xoài, Vườn Trúc Lâm, hồ nước nơi Đức Phật tắm, và ngọn núi Linh Thứu thiêng liêng.


    Những gì còn lại của "vạn lý" trường thành bằng đá để chống ngoại xâm tại Vương Xá thành.

    Thành Vương Xá ngày xưa đã có vị trí chiến lược hiểm yếu do 5 ngọn núi bao bọc chung quanh. Vua A Xà Thế cho xây một bức tường dài bằng đá dọc theo 5 ngọn núi để ngăn ngừa ngoại xâm. Mục đích chiến lược của nó  cũng giống như Vạn Lý Trường Thành của Trung Hoa. Về tuổi, trường thành bằng đá của Vương Xá có trước Vạn Lý Trường Thành 200 năm, nhưng chiều dài thì không thể so sánh được với 5,500 miles của Vạn Lý Trường Thành.


    Di tích Vườn Xoài (Mango grove)

    Nơi đây xưa là một rừng xoài rất lớn do người ngự y tên Jivaka cúng dường Đức Phật làm nơi hành đạo. Nay chỉ còn lại di tích nền đá của các tu viện hay chùa, tháp cũ. (Jivaka là bác sĩ cho nhà vua và hoàng gia, cũng là bác sĩ riêng cho Đức Phật)


    Vườn Trúc Lâm (Vườn tre, Bamboo grove). Lúc xưa vua Tần Bà Sa La ngưỡng mộ Phật nên cúng dường vườn Trúc Lâm để Phật và các đệ tử lưu trú, nhất là an cư kiết hạ trong mùa mưa. Nay vườn tre không còn nữa, được xây thành một công viên đây đó trồng vài bụi tre, khóm trúc để đánh dấu một di tích Phật giáo quan trọng.

    NGỌN NÚI LINH-THỨU THIÊNG LIÊNG (GRIDDHAKUTA)

    Vương Xá thành có một di tích được coi là vô cùng thiêng liêng với Phật tử khắp nơi. Đó là núi Linh-Thứu (Vulture Peak). Phật tử nào đến cổ thành Vương Xá cũng phải lên hành hương núi Linh Thứu. Vì tại đây là nơi Đức Phật đã giảng nhiều bộ kinh quan trọng nhất, như Diệu Pháp Liên Hoa (thường gọi tắt là Kinh Pháp Hoa, Lotus Sutra) và Bát Nhã Tâm Kinh (Prajnaparamita Sutra, the Heart Sutra or Perfection of Wisdom Sutra).

    Vào một buổi xế chiều nhưng nắng còn ấm, đoàn chúng tôi đi bộ lên thăm núi Linh Thứu. 


    ​Đường lên dốc núi thật dài nhưng ai cũng hăng hái lên đường. Chúng tôi vừa đi vừa suy gẫm tới Đức Phật, cách đây trên 2,500 năm, hàng ngày lên lên xuống xuống ngọn núi linh thiêng này khi Ngài từ núi xuống thành khất thực rồi trở về núi thọ trai. Lúc đó Ngài cũng sấp sỉ thất thập cổ lai hi.


    ​Còn nhiều bực thang lắm nhưng mệt cứ ngồi nghỉ. Thế nào cũng tới nơi. 


    ​Trong đoàn có 3 người bị đau chân phải thuê kiệu tre khiêng lên đỉnh núi. Nhìn người địa phương lấy mồ hôi đổi bát cơm mà thương xót họ. Người trong hình là Nancy W., GS Đại học Lesley University, Massachusetts, có vấn đề với thăng bằng. (balance)


    ​​Đường lên núi có chăng những phướn cầu nguyện (prayer flags) đủ mầu rực rỡ tung bay trong gió như muốn hân hoan chào đón kẻ hành hương đang đi theo dấu chân Phật. Và phướn như cũng muốn mượn gió để chuyển lời kinh Phật đi muôn phương.


    ​Chúng tôi cuối cùng cũng lên tới đỉnh núi Linh Thứu vào lúc mặt trời sắp lặn.


    ​Lúc này có một nhóm Phật tử thuộc quốc gia khác đang thành tâm chấp tay lễ Phật và cầu nguyện trên đỉnh núi Linh-Thứu trong không khí thanh tịnh và trang nghiêm. Hoàng hôn đang lặn dần sau lưng họ.


    ​Trên đỉnh Linh Thứu có tảng đá trông giống đầu con chim Kên Kên. Do đó người địa phương cách đây cả mấy ngàn năm đặt tên là “Đỉnh Kên Kên” (Vulture Peak). Hình chụp “Đỉnh Kên Kên” (hay Đỉnh Linh Thứu, Vulture Peak) trong giây phút hoàng hôn, tưởng chừng như chim Kên Kên đang nuốt trọn mặt trời. Tấm hình này do bà xã chụp bằng iPhone 6 trong một khoảnh khắc hiếm có. 


    Cảnh hoàng hôn trên đỉnh núi Linh-Thứu. Trời bắt đầu tối nhưng người đi hành hương vẫn bịn rịn chưa muốn dời ngọn núi thiêng liêng này.


    Đoàn chụp hình kỷ niệm trên Vulture Peak. Người ngồi hàng đầu và ngay chính giữa là Shreyas P., bác sĩ Mỹ gốc Ấn chuyên ngành Neurology, và đã từng học Poetry tại Sorbonne University, Paris. Người ngồi hàng cuối mặc áo đỏ là Marc S., một political activist ở New York.


    (Kỳ tới: Di Tích Thành Vương Xá Tiếp Theo: Đại Học Phật Giáo Nalanda)

    DTK 

    Kỳ 6: Gặp Đức Karmapa Thứ 17 của Tây Tạng và Đi Thăm Làng Uruvela.

    Khi đoàn chúng tôi ở khách sạn Royal Residence tại Bodhgaya chúng tôi có dịp may được gặp Đức Karmapa thứ 17 của Phật giáo Tây Tạng trong khu tiếp tân của khách sạn. Đức Karmapa thứ 17 đứng đầu trường phái Kagyu (Mũ Trắng) tương tự như Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đứng đầu trường phái Gelugpa (Mũ Vàng). Phật giáo Tây Tạng có 4 trường phái chính. Theo thứ tự quan trọng, đứng đầu là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, kế đến Đức Karmapa thứ 17. Còn Ngài Panchen Lama do Trung Cộng phong chức và kiểm soát thì không được người dân Tây Tạng công nhận. Chức danh chính thức của ngài là "His Holiness the 17th Gyalwang Karmapa". Khi Trung Cộng cai trị Tây Tạng, Đức Karmapa đã trốn thoát vào được Ấn Độ, năm 2000, lúc đó mới 14 tuổi. Năm nay Karmapa 30 tuổi. Nhiều người cho rằng (trong đó kể cả tuần báo TIME và The New York Times) Đức Karmapa thứ 17 sẽ là vị lãnh đạo tinh thần cho toàn Tây Tạng, thay thế Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 khi ngài mất. Đức ĐLLM năm nay 81 tuổi. 


    Đức Karmapa thứ 17, 30 tuổi, quan trọng chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.


    Đoàn chúng tôi xếp hàng đón Đức Karmapa thứ 17 trong khu tiếp tân của khách sạn chúng tôi ở. Những khăn quàng màu trắng là tặng vật truyền thống trong nghi lễ Phật giáo Tây Tạng. Lúc đầu chúng tôi đứng thành hai hàng đối diện với nhau để đón Đức Karmapa, nhưng ban bảo vệ an ninh chỉ đồng ý cho chúng tôi đứng chào thành một hàng (có lẽ để dễ kiểm sóat). Khi ngài đến, thấy một cô trong đoàn đứng dậy rất khó khăn ngài đã đến tận nơi đỡ dậy rồi chụp hình kỷ niệm với đoàn. Trong đoàn ai cũng excited có dịp gặp Đức Karmapa thứ 17.


    Cậu bé tái sinh (The Reincarnation Boy), một Lạt Ma tương lai (trong phái đoàn tháp tùng Đức Karmapa, cũng có hộ vệ riêng).

    Đi Thăm Làng Uruvela của Nàng Sujata.

    Trong khi còn ở Bodh Gaya, vào một buổi xế chiều, chúng tôi đi thăm làng Uruvela nơi người con gái dòng dõi Bà La Môn tên Sujata đã cúng dường bát cháo sữa cho Đức Phật. Hoàn toàn mòn mỏi kiệt sức vì phép tu khổ hạnh, Đức Phật đã thọ nhận bát cháo sữa và từ bỏ phép tu ép xác để theo con đường Trung Đạo. Rồi Ngài tìm đến gốc cây Bồ Đề bên cạnh bờ sông Ni-Liên-Thuyền (Niranjana River), trải cỏ ngồi kiết già thiền định, quay mặt về hướng Đông, và nguyện rằng sẽ không rời chỗ này nếu không chứng được Giác Ngộ. Tại nơi đây, dưới cội cây Bồ Đề, cuối cùng Ngài đã chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và thành Phật.


    Làng Uruvela của nàng Sujata, người con gái dòng dõi Bà La Môn và là con gái ông Lý Trưởng (?) (village chief), đã cúng dường Đức Phật bát cháo sữaNgọn núi xa xa trong hình là nơi Đức Phật từ đó ôm bình bát đi xuống làng Uruvela khất thực.


    Đoàn chúng tôi đi lặp lại dấu chân Phật tại làng Uruvela giữa đồng ruộng lúa mì (wheat) và mù tạc (mustard) trong ánh nắng phai dần của một buổi chiều tàn.


    Trời về chiều, đoàn ngồi nghỉ tại làng Uruvela và nghe Shantum kể chuyện về cô gái Sujata. Phía sau lưng là Tháp Sujata (Sujata Kuti) được xây để tưởng niệm người con gái cúng dường bát cháo sữa cho Đức Phật.


    Làm Bạn Với Một Nông Dân Ấn Độ.


    Hình chụp trẻ em miền quê Ấn Độ. Tôi cảm thấy miền quê Ấn Độ nghèo lắm, có khi còn nghèo hơn cả miền quê Việt Nam.


    Làng quê Ấn Độ, một hình ảnh quen thuộc, với trâu bò và những đống rơm, cùng với sự nghèo nàn, vất vả của cuộc sống.


    Người đứng chắp tay là một nông dân Ấn Độ sống trong làng Uruvela mà hướng dẫn viên Shantum đã quen và bảo trợ khi người nông dân còn là một cậu bé 14 tuổi, nay đã 41 tuổi có vợ, con và một đứa cháu nội. Người hói  đầu và đeo kính là Shantum. Đoàn chúng tôi đã mua tặng người nông dân một con bò để lấy nguồn sữa cho đứa cháu nội.

    Shantum kể cách đây 28 năm (1988), Sư ông Nhất Hạnh đi hành hương lần đầu tiên ở Ấn Độ, cũng do Shantum hướng dẫn lần đầu tiên (lúc đó Shantum là đệ tử của Sư Ông). Khi đến làng Uruvela Sư ông hỏi dân làng có biết chuyện Đức Phật và cô gái Sujata và cậu bé chăn trâu tên Svasti không? Không ai biết. Sư ông nhờ Shantum đi tìm trong làng một cô gái 13 tuổi và một cậu bé 11 tuổi để đóng vai Sujata và Svasti trong khi Sư ông kể chuyện Đức Phật. Người nông dân Ấn Độ, lúc đó là một đứa bé 14 tuổi, đã đi gọi trẻ con trong làng ra gặp Sư ông và đóng vai đứa bé chăn trâu Svasti. (Svasti là đứa chăn trâu đã dâng Đức Phật gói cỏ để Đức Phật làm bồ đoàn ngồi thiền định dưới cội cây Bồ Đề cho tới lúc thành đạo). Nhờ nhân duyên ấy, đứa trẻ này - nhà rất nghèo - đã quen và được Shantum giúp đỡ từ lúc đó.  

    Người nông dân mời chúng tôi về nhà để gặp gia đình. Xe bus không vào được đường làng nên chúng tôi phải đi bộ trong bóng đêm mờ mờ sáng dưới ánh trăng. Chúng tôi phải bật đèn pha từ iPhones để tránh những vũng nước và các mô gạch, đá. Tới nhà, anh nói với người vợ mời chúng tôi ăn bánh ngọt và uống trà sữa "Masala Chai tea" theo phong tục của người Ấn. Tối hôm đó cả làng bị cúp điện nên chúng tôi ngồi uống trà và nói chuyện trong nửa tối nửa sáng vì cả nhà chỉ được thắp sáng bằng một ngọn đèn dầu hôi (kerosene lamp) duy nhất. Người con dâu bế đứa bé gái đầu lòng mới 4 tháng cho mọi người xem. Đứa bé trông rất kháu khỉnh, thông minh; mới 4 tháng đã bắt đầu hớt chuyện với người lớn. Ngày hôm sau, trên xe bus, Shantum kể về gia cảnh nghèo của người nông dân và cho biết gia đình ước mơ một con bò để lấy sữa cho em bé. Chúng tôi lấy số đông hăng hái góp phần của mình đủ để mua tặng gia đình người nông dân một con bò giúp có nguồn sữa cho em bé. Âu cũng là thiện duyên cho đoàn người hành hương làm việc thiện có ý nghĩa. Người nông dân đã ứa nước mắt lúc nhận quà.


    (Kỳ tới: Di Tích Thành Vương Xá - Rajgir)

    DTK