Thursday, February 27, 2014

Họa bài "Còn Chơi"

của Bùi Tiến trong 7ND, số 11 năm thứ 33.

Sao nói ăn chơi chán mớ đời
Đời này vui thú, thiếu chi chơi.
Càng chơi càng thấy đầy mỹ vị,
Mỹ vị thì sao lại phải thôi?
Chơi đời cho đã, tại sao thôi?
Đời đà chán mớ, vẫn cứ chơi.
Chơi để cho đời đau như hoạn,
Bị hoạn cho nên trả thù đời!

Yêu đời nên mới thích ăn chơi,
Chơi rạc sành sanh đã nửa đời.
Nửa đời còn lại, còn hữu dụng,
Hữu dụng, thì sao lại phải thôi?
Đời mình hữu dụng, tại sao thôi?
Đất nước lìa xa quá nửa đời.
Lòng thương yêu nước không hề giảm,
Việc nước toan bề, dễ phải chơi?

Việc nước, việc nhà, dễ phải chơi?
Những kẻ cầm cân, chán mớ đời!
Hóa ra cả bọn cùng một ruộc,
Đất nước tùm lum, vẫn không thôi!
Chuyện đời rồi cũng thế mà thôi.
Buồn chán làm chi để khổ đời.
Sinh kế lo toan cho cuộc sống,
Cần chi phải gác chuyện ăn chơi?

Cơ nghiệp tự gây quá nửa đời.
Vừa chơi, vừa dựng, việc không thôi.
Tội chi mà bỏ cho mang bận.
Để mất toi đi cái cuộc chơi!
Đốt đèn tìm bạn suốt cả đời,
Cùng nhau tụ họp để mà chơi.
Để mà vui thú trong cuộc sống.
Để đến trăm năm cũng chẳng thôi!

Ai nói ăn chơi sẽ quên đời?
Nhờ đời, nên mới nhớ ăn chơi.
Quên đời sao có ăn chơi được?
Chơi để cho đời "đã" thì thôi.
Thực sự chơi nên khỏe cả đời,
Mệt mỏi, không nên nghĩ chuyện chơi.
Chơi mà không mệt thời mới thỏa,
Mệt mỏi chi mô phải tính thôi?

Lo lắng làm chi cái sự đời,
Sự đời rồi cũng thế mà thôi.
Thú vui, thiên hạ cùng chung hưởng,
Buồn chán làm chi, để lụy chơi!
Chán, vui, buồn, khổ, đến thế thôi,
Giấc Nam Kha, qua đủ một đời,
Bừng con mắt dậy, thì đã trễ,
Dù trễ, còn hơn bỏ cuộc chơi!

Dù ai nói dại, tại sao thôi?
Khôn, dại, do ta sống ở đời.
Cuộc đời ấy là canh bạc cả,
Dù được, dù thua, vẫn cứ chơi.
Muốn viết thì làm, chớ lôi thôi.
Làm cho ra thật, chớ đừng chơi.
Làm cho xứng đáng, cho ra lẽ,
Đáng mặt nam nhi, đáng một đời!

Cóc Tu
(Bài này do một cựu sinh viên Úc có nhã ý đóng góp. - Ed.)

Nếu Đấng Tạo Hoá Là Tôi

Thoại Khanh

Bản thân tôi rất ghét đeo mắt kiếng. Vậy mà tôi phải đeo mắt kiếng từ thời Trung Học. Mẹ tôi khuyến khích tôi đeo mắt kiếng để che cặp mắt lé và lờ đờ, và để làm cho tôi có vẻ thông thái hơn. Tôi nghe thông thái, khoái quá, nên lúc nào cũng ráng diện bộ mắt kiếng dày cộm trên mặt. Mãi đến sau này, bà vợ yêu qúi của tôi, lúc nào cũng hăng hái vạch trần những khuyết điểm của tôi, mới bật mí cho tôi biết là hai cái đít vỏ chai xá xị làm cho cái mặt tôi đã ngớ ngẩn lại càng thêm ngẩn ngơ.

Cặp mắt kiếng tôi thì càng ngày càng dầy thêm với năm tháng, và bây giờ khi tóc tôi đã trở thành muối tiêu (nhiều muối hơn tiêu) thì những bắp thịt trên mắt tôi không còn đủ sức để điều chỉnh nữa, tôi phải đeo kiếng hai tròng. Bạn đã thử kiếng này chưa? Rõ lã một sáng chế dị hợm nhất đời. Muốn thấy xa, tôi phải kéo xệ cặp mắt kiếng xuống tận mũi để dùng phần trên của cặp mắt kiếng. Muốn thấy gần, tôi phải đẩy nó lên trán để dùng phần dưới. Nhưng mà muốn thấy cho thật rõ, tôi phải tháo kiếng ra dúi mặt lại gần, trợn tròn mắt ra mới nhìn thấy rõ. Suốt ngày, tôi kéo mắt kiếng lên, đẩy mắt kiếng xuống, tháo mắt kiếng ra, đeo mắt kiếng vào, mất hết cả thì giờ. Nhất là khi tháo ra xong, tôi phải quờ quạng cả mười phút mới mò lại được cái của nợ.

Vì vậy cho nên, tôi muốn trở thành đấng tạo hoá. Không, không, tôi không có ý ám chỉ đấng tối cao cuả đạo giáo nào đâu, xin các đồng chí sùng đạo đừng vi giận. Tôi chỉ muốn làm đấng tạo hoá thiên nhiên để chế tạo con người theo ý tôi muốn thôi. Tôi đã đọc qua lý thuyết biến chuyển của Darwin, nhưng mà lối đó mất thì giờ quá, tôi muốn có bùa phép để thay đổi cách chế tạo ra con mắt con người một cách nhanh chóng hơn.

Trước hết tôi thấy để cặp mắt ở trên mặt là một lỗi lầm to lớn. Vì trên mặt chật hẹp quá, bạn chỉ có thể nhìn phía trước được thôi. Muốn nhìn sang bên cạnh bạn phải quay đầu sang một bên. Bạn có coi video chiếu những người coi đánh tennis chưa? Một đám người quay đầu bên trái, quay đầu bên phải như cái máy. May mà cái cổ còn chắc, chứ không thì cái đầu đã rụng từ lâu rồi. Nhưng mà quay cách mấy, bạn không thể thấy ở phía sau đầu được. Hơn nữa, nếu bạn đã từng sửa xe hơi, bạn phải công nhận là cái đầu của bạn nhiều khi to quá, không thể ghé mắt vào những ngóc nghách trong máy xe để xem được.

Vì vậy tôi sẽ để con mắt trên đầu ngón tay. Tha hồ mà móc ngón tay vào những ngóc nghách trong máy xe để xem. Cái hay hơn nữa là bạn có thể ngắm dung nhan tuyệt vời của bạn mà không cần soi gương. Chỉ cần xoay ngón tay về phía mình thôi! Ôi, sao mà sáng kiếng hay quá, đáng giải Nobel về Y Khoa!

Một cái hay hơn nữa là nếu để cặp mắt trên mặt, thì phải cần có cân đói. Cặp mắt lé của tôi lúc nào cũng làm cho các cô nhìn tôi bằng nửa con mắt. Với sáng chế mới này, cặp mắt lé của tôi không thành một vấn đề nữa. Tôi tha hồ xoay con mắt bên này, xoay con mắt bên kia, không ai biết là tôi có mắt lé nữa.

Với cặp mắt di động tự do bạn còn có thể nhận xét những thành phần trên người bạn mà bạn ít có khi để ý tới (hoặc là không dám dòm tới vì bạn không muốn bị thất vọng). Thí dụ như bên trong lỗ mũi của bạn. Thôi, thôi đừng có chối nữa, biết bao nhiêu lần bạn đã móc mũi rồi. Nhưng chưa bao giờ bạn thấy được bên trong lỗ mũi của bạn. Bây giờ thì tha hồ dòm khắp nơi, chỉ cần ngẹo qua, ngẹo lại vài lần là bạn thấy hết những sợi râu mũi to như sợi bún, những tảng mũi đóng khô cả mấy ngày nay vân vân và vân vân... Một thắng cảnh đáng ghi nhớ cho biết và biết cho chừa.

Khi bạn ở ngoài vườn, bạn có thể ngồi trên ghế, thòng tay xuống dưới chân tìm con muỗi khốn khiếp đang hút máu bạn và tiện tay đập dẹp nó luôn thể. Như vậy bạn vừa giúp mình vừa giúp người, tiêu diệt được một hủy họa cho nhân loại. Còn nếu bạn là điệp viên, thì bạn có thể dòm nhiều phía mà không cần phải mang kiếng phản chiếu, chỉ cần làm bộ gãi đầu, gãi lưng, bạn tha hồ nhìn phía sau cho đã.

Để cặp mắt trên tay có nhiều cái lợi cho phái nữ. Một cái chính là các cô có móng tay, có thể che nắng cho con mắt được, không cần phải mang mắt kiếng đen. Như vậy các cô tha hồ chọn mắt kiếng mầu, xanh, đỏ, tím, vàng vv.. Bà xã tôi chắc là sẽ thích lắm, vì lúc nào cũng có mắt kính đeo sẵn trên mắt, mỗi lần đi đâu khỏi phải mất cả tiếng đồng hồ đi tìm.

Bạn có từng ngủ ban ngày chưa? Cho dù bạn ráng nhắm mắt cách mấy, bạn không thể nào che hết ánh sáng đừng cho vào mắt được. Còn ngủ trong lúc làm việc? Khó lắm, vì ai cũng thấy bạn gục lên gục xuống. Với con mắt trên đầu ngón tay, bạn chỉ cần cong ngón tay lại bỏ vào trong túi quần là xong. Đồng nghiệp ai cũng tưởng là bạn đang tìm món gì trong túi quần! Thế là không mất thể diện.

Bạn có thấy con đà điểu cắm đầu xuống cát khi nó sợ chưa? Cái đầu thì chui xuống cát, cái đít thì chổng lên trời, trông rất là dị hợm, mười hai con giáp, sáu con bầu cua, không giống con nào hết (không những thế, nó còn làm cho những con thú vật khác hiểu lầm ý định của nó nữa). Với cặp mắt trên ngón tay, bạn chỉ cần đút tay vào túi quần khi sợ, như vậy có phải hay và lịch sự hơn nhiều không?

Một đặc điểm khác nữa là bạn có thể gắn nhiều bắp thịt chung quanh con mắt để điều chỉnh xa gần một cách dễ dàng. Bạn có thể zoom in & out, mà không cần mang ống dòm hay kiếng hiển vi nữa. Không những thế, bạn có thể tập thể dục cho bắp thịt con mắt, để đền bù cho những yếu kém tạo nên bởi thời gian, bằng cách kéo tạ, hoặc hít đất. Chứ nếu để con mắt trên mặt, thì làm sao tập thể dục cho bắp thịt mắt được? Không lẽ kéo con mắt ra khỏi tròng rồi cột hai qủa tạ vào mắt sao?

Rồi, sau khi đã đồng ý để con mắt trên ngón tay, chúng ta hãy nghĩ coi mình cần bao nhiêu con mắt? Ít nhất phải cần hai con mắt, đặt cách xa nhau một khoảng cách nhỏ, để có thể dùng hiện tượng parallax mà nhận diện chiều sâu. Hai con mắt có thể để trên hai ngón tay. Như vậy có lợi lắm, vì bạn có thể tách hai ngón tay ra xa để dời hai con mắt ra xa, hoặc kéo hai con mắt lại gần nhau hơn. Thú thật, tôi không biết làm như vậy thì có ảnh hưởng gì đến cách nhìn đời không. Không thấy ông thầy Vật lý của tôi nói đến đề tài này, nhưng tôi chắc là sẽ có nhiều cái lợi, mình chỉ cần thí nghiệm vài lần là biết.

Trong khi lái xe ban đêm, nhất là sau những cơn bạc trác táng hoặc là những buổi dạ vũ thâu đêm, bạn cũng đã biết là rất khó canh khoảng cách giữa xe bạn và xe đằng trước. Vậy thì tại sao mình không lắp thêm con mắt thứ ba nữa? Với ba con mắt, mình có thể dùng phương pháp tam giác đạc (triangulation) để suy ra vị trí của xe đằng trước y bỏng. Như vậy bạn có thể tha hồ chạy như điên mà không sợ đụng xe hoặc cán người đi đường.

Tuy nhiên nếu đặt con mắt trên ngón tay mà mình thường dùng thì cũng có nhiều cái hơi bất tiện. Nhất là đối với Mít. Vì dân mình quen ăn cái gì cũng chấm nước mắm, thí dụ như thịt bò nhúng dấm, gỏi cuốn, bì cuốn. Nếu mà nhúng con mắt trong nước mắm ớt, hay là tệ hại hơn, trong nước mắm tôm, thì đau và cay kêu trời không thấu.

Vậy thì tôi đề nghị nên để con mắt trên một cánh tay đặc biệt thứ ba, gắn liền nơi bụng. Nhưng mà như vậy cũng không ổn, vì sẽ bị vướng kinh khủng khi "làm tình". Tuy nhiên, nếu mà tôi có thể đổi vị trí của con mắt, thì tôi cũng có thể đổi vị trí của những bộ phận sinh dục được dễ dàng. Wow, tôi nghĩ là mình có thể làm vô số trò với những bộ phận đó, nhưng thôi để đề tài phong phú này lại cho một bài báo khác.

Bây giờ tạm để cánh tay thứ ba trên đầu, như vậy nó sẽ không bị cản trở gì hết. Thêm một cánh tay thứ ba còn có cái lợi là khi tắm bạn có thể kỳ kọ những chỗ sau lưng mà từ trước tới nay bạn không có thể với tới. Nghĩ cho kỹ, đặt cánh tay trên đầu cũng không có gì là khó. Trên đầu đã có sẵn tóc, nên mình không cần phải cấy thêm tóc để làm lông nách. Nếu người nào đầu hói, thì cánh tay sẽ che bớt chỗ hói đi.

Như vậy một phần chính trong việc chế tạo bộ mắt mới đã xong, chỉ còn một vài phần lặt vặt, như là làm sao đội nón trên đầu khi trời lạnh, khi cần vắt tay lên trán để suy nghĩ thì mình nên vắt tay nào, khi đánh box thì có cho dùng cánh tay thứ ba không, chỉ có hai lỗ mũi mà ba cánh tay vậy thì dùng tay nào để móc mũi nào, vân vân... Nhưng không sao, tôi đã thiết lập một phòng thí nghiệm ở dưới basement nhà tôi rồi. Tôi tha thiết kêu gọi những Kiwi alumni khi nào rảnh, hãy ghé qua và chúng ta sẽ thí nghiệm cho vui.

(Bài này lúc gởi đến ban biên tập phải chuyển từ VPS qua VISCII cho dễ làm ăn, vì thế chúng tôi có nhờ một anh MitChong đọc kỹ lại. Sau khi đọc bài này, and ta thử scan hình mình và dùng Adobe Photoshop xóa hai con mắt đi để xem như thế nào. Tội nghiệp thay, anh ấy hãi quá, ngã lăn ra đất phát u đầu.- Ed)

Hậu Tây Du Ký

Nguyễn Phục Hưng

Mãi hơn hai mươi năm sau tôi mới thực hiện được lời hứa với vợ chồng Hoàng-Tuyết là đưa cả nhà tôi sang thăm gia đình bạn. Thật ra, tôi đã muốn làm việc này từ lâu, nhưng mổi lần đề nghị, thì vợ tôi lại cản: "Thôi anh à, đi làm gì qua cái xứ mà mổi lần em nhắc đến, thì mấy anh chị bạn đều la làng là cái xứ 'khỉ ho cò gáy' ấy. Cho đến đầu mùa Hè năm 98, hãng hàng không Continental, nơi mà vợ tôi mới đầu quân, bắt đầu chuyến bay thẳng từ Houston đến Calgary, thì Hiền rủ tôi đi thăm Hoàng-Tuyết.

Chúng tôi đến Calgary lúc gần nữa đêm. Sau khi qua thủ tục quan thuế, chúng tôi thuê xe lái về hướng Edmonton. Con đường từ Calgary đến Edmonton lúc "nửa đêm về sáng" thật là vắng vẽ. Có lúc buồn ngủ quá, chúng tôi muốn tìm một quán nhỏ bên đường để mua một ly cà phê, mà không thấy. May là Hiền mới lấy một lớp "luyện giọng" nên nàng ra công thực tập, làm cho chúng tôi đở buồn ngủ. Dĩ-An ngủ gà ngủ gật, nghe mẹ tập hát cũng phải giật mình tỉnh giấc. Và nhờ vậy chúng tôi thoát khỏi cơn buồn ngủ, thoát khỏi màn xe hơi nằm dưới ruộng !!!

Đến driveway của "Hoàng gia" thì mới gần 4 giờ sáng. Nhìn xung quanh, tôi thấy rất là yên tỉnh và an toàn mà trời thì sáng như ban ngày, thế là chúng tôi quyết định tắt máy, ngủ trong xe. Sở dĩ chúng tôi không vào ngay là sợ nếu vào thì sô xáo đếng "Hoàng gia". Hơn nữa, mắt chúng tôi cũng mở hết nổi rồi, chỉ muốn nhắm lại thôi. Thế là cả ba chúng tôi bèn đi vào giấc điệp.

Chúng tôi thức dậy khi nghe tiếng của Tuyết la lớn: "Anh Hưng tới bao giờ mà không vào nhà, lại ngủ ngoài xe vậy nè." Sau khi nghe chúng tôi giải thích, phân trần, bà chủ nhà mới thôi áy náy về việc chúng tôi ngủ trong xe. Kế tiếp là đến phiên chúng tôi áy náy vì chủ nhà nhất định nhường căn master bedroom cho gia đình chúng tôi trong thời gian chúng tôi lưu lại nơi đây. Tôi và Hiền đã hết lời năn nỉ, xin được ở phòng của một trong ba cháu hoặc là ở dưới basement mà không được chủ nhà đồng ý. Cuối cùng thì chúng tôi đành phải chấp nhận sự xếp đặc của chủ nhà mặc dầu rất là áy náy vì thấy chủ nhà phải nằm dưới đất trong phòng của cháu Chris.

Căn phòng ăn của "Hoàng gia", nhìn xuống là thấy Downtown của Edmonton, nên sáng nào Hiền cũng xin được ngồi trên chiếc ghế nhìn ra phía sau của nhà, khi uống cà phê và chuyện trò. Edmonton thật là đẹp, buổi sáng khi sương còn mờ mờ, bạn sẽ thấy những ngọn thông màu xám như trắng ra, đến khi nắng lên thì màu xám trở thành màu xanh dương rất là lạ. Loại thông này, tôi chưa thấy ở đâu cả, mặc dù tôi cũng đã đến những nơi khác của Canada, như Quebec, Montreal hay Ottawa.

Mỗi ngày sau khi ăn sáng xong, Hoàng đưa chúng tôi vào rừng đi bộ. Rừng ngay sau nhà thôi, Dĩ-An và Hiền mê đi bộ trong rừng hơn là đi ngoài đường mặc dù có rất nhiều muỗi và ong, nhưng bù lại thứ có rất nhiều giống berry mọc đầy lối đi. Hai mẹ con vừa đi vừa hái Cranberry, Blueberry vừa ăn ngon lành. Buổi đi bộ đầu tiên, chúng tôi đi gần 4 tiếng đồng hồ. Đến lúc về lại thì Tuyết đã lo xong lunch và đang chờ với nỗi lo lắng vì sợ chúng tôi bị thú rừng ăn thịt mất rồi!!!

Chung quanh nhà Hoàng Tuyết là những đồi hoa Canola vàng rực rỡ, loại hoa này nhìn giống như hoa cải và dùng làm dầu ăn rất tốt, làm tôi nhớ đến bài hát "Lên non tìm đống hoa vàng." Hoàng Tuyết đã sắp sẵn một chương trình thật chu đáo cho chúng tôi du lịch vùng "tam giác vàng." Từ Edmonton sẽ lên vùng National Park Jasper, thăm Glacier, hồ Louise, đến Banff và trở về lại Calgary.

Theo lời khổ chủ, chúng tôi trả lại xe thuê ngày hôm sau vì: "Không cần thiết phải có thêm xe," Tuyết nói vậy, và thêm: "đi hai xe thì làm sao nói chuyện được, mất vui." Chúng tôi ở lại Edmonton với "Hoàng gia" bốn ngày. Trong bốn ngày đó, chúng tôi được bạn ưu đãi như là thượng khách. Hoàng đề nghị Ex-Kiwi nên họp mặt tại Edmonton một lần, nếu không, thì nhóm qua cùng Hoàng Tuyết cũng nên họp mặt một lần ở Edmonton, Hoàng Tuyết tình nguyện sô lo chu đáo mọi việc ăn ở. Hoàng Tuyết còn "chỉ thị" cho tôi phải loan báo việc này, phải làm sao đợ bà con đừng lầm tưởng Edmonton là xứ "khỉ ho cò gáy", chỉ dành cho những người Cà-Na-Điên ở. (Đây cũng là chủ đích của bài hồi ký này, để tròn lời ủy thác của "Hoàng gia").




Chúng tôi khởi hành vào sáng sớm để bắt đầu thám hiểm vùng "tam giác vàng". Đường từ Edmonton đến Jasper là cả một sự liên tục của những đồi hoa vàng Canola, đẹp chi lạ! Đến Jasper, chúng tôi ngừng lại ăn trưa trước khi đi viếng Glacier. Trên cao độ của kỳ quan thế giới này, mặc dù trời lạnh căm, bố con tôi cũng rán cởi áo lạnh để chỉ còn quần short và áo thun mà....chụp hình, cho bỏ cái công đi thăm giải Băng Hà nổi tiếng này. Lại còn rán bốc một cụm nước đá uống thử, xem có... lạnh và ngon không nữa. Màn này được Hoàng thu vào ống kính đàng hoàng. Tưởng cũng nên nói thêm một chút về giải băng hà này. Đây quả thực là một kỳ quan! Cả thế giới chỉ có vài chổ. Giòng băng hà này có hơn cả ngàn năm. Nước từ đây chảy ra là nước của hơn cả ngàn năm trước.

Đến đây, uống nước này, bạn sẽ cảm thấy như được hòa mình vào với trời đất, cảm thấy như gần gủi với tiên loài người của ngàn năm xưa, cảm nhận được sự luân hồi của vạn vật. Một cảm giác tuyệt vời, siêu thoát.

Trước khi đến Glacier, bạn sẽ đi qua Jasper National Park. Trên đường, lắm lúc bạn phải ngừng xe lại vì các chú Tê Giác, Hươu cao cổ, Sơn Dương v.v... cứ từ từ băng qua đường, làm như không biết xe cộ là gì. Bạn mà không nhìn kỹ là đụng các chú ấy ngay. Nếu đụng, chắc chắn bạn là người bị thương, chứ không phải là các chú ấy. Cảnh hùng vĩ của núi rừng trùng trùng điệp điệp, đẹp không thể nào nói ra hết được. Có lúc bạn tưởng như đang đứng trước một bức tranh đẹp, hùng vĩ nhưng yên tịnh, mà trong trí óc hạn hẹp của mình, chúng tôi không thể ngờ được là cảnh thực.

Tối hôm đó hai gia đình chúng tôi ở chung một Cabin với hai phòng ngủ, một phòng khách và một cái bếp. (Một loại hostel sang cho những người đi cắm trại tài tử.) Sáng hôm sau, Hoàng và tôi nấu "Mì Triều Châu" cho mọi người cùng ăn sáng trước khi khởi hành đi Lake Louise. Ai có thắc mắc về món mì đặc biệt này thứ xin hỏi cháu Chris và Dĩ-An.

Đoạn đường từ Jasper đến lake Louise đẹp vô cùng, bạn sẽ đi qua hết dãy núi này, đến những khu rừng khác. Có những ngọn núi đá, bị mưa gió ăn mòn, biến thành như những lâu đài La Mã trong tranh vẽ. Xen lẫn vào đó là những giải băng hà nhỏ, tạo thành những bức tranh tuyệt đẹp.

Lake Louise, theo tôi thì phải kể là một kỳ quan của thế giới mới đúng. Màu nước của Hồ thay đổi tùy theo mặt trời. Lúc mặt trời bị mây che, màu nước của hồ là màu xám. Lúc mặt trời chiếu sáng, mặt nước trở thành màu xanh ngọc thạch. Một lúc khác, mặt hồ lại chuyển sang màu xanh dương. Lúc có gió thổi, mặt hồ có những làn sóng lăn tăn nổi lên, làm màu nước trở thành như bạc. Lake Louise được bao quanh bởi hai dãy núi, nối liền bằng một giải băng hà. Đứng từ "Lâu Đài Khách Sạn", đối diện với Hồ, bạn sẽ thấy được toàn diện hồ Louise. Khi mặt trời chiếu vào giải băng hà, ánh sáng sẽ phản chiếu lên mặt Hồ, tạo cho Hồ một hình ảnh đẹp vô cùng, mà với trình độ viết văn của tôi, tôi xin chào thua, không thể diễn tả được. Bạn phải tự mình thấy, để biết, và thưởng thức cho chính bạn thôi!

Lake Louise sẽ nhắc nhở bạn tới Milford Sound ở South Island và bao nhiêu mối tình xưa nữa. Còn khách sạn Louise thì đẹp vô cùng, tôi không biết khách sạn này được xây cất từ bao giờ, nhưng lối kiến trúc nhìn như những lâu đài cổ bên Ấu châu. Đây là nơi lý tưởng cho bạn nào muốn hâm nóng lại tình yêu. (Xin đề nghị bạn N A Giao, N V Thanh nên đưa bà xã đến đây, "phu quyền" chắc chắn sẽ được phục hồi.)

Rời Lake Louise với niềm luyến tiếc ngẩn ngơ, chúng tôi tự nhủ thế nào cũng sẽ trở lại vào dịp khác, nhưng rồi vẫn chưa thực hiện được. Hy vọng không phải là hai mươi năm sau nữa!

Trên đường đến Calgary, Hoàng Tuyết đưa chúng tôi ghé Banff. Nơi đây, Hoàng rủ chúng tôi đi tắm suối nước nóng, nhưng phe nữ giới đông và mạnh hơn, nên cuối cùng chúng tôi đi dạo phố Banff để ...shopping thay vì đi tắm suối. Nhìn khuôn mặt thiểu nảo của tôi, vì không được đi tắm suối, Hoàng vờ ghé vào tai tôi nói lớn: "Lần tới, Hưng qua lại, mình với Hưng sẽ đi tắm, không phải đi theo hai bà và hai cô công chúa này nữa." Thật là uổng! vì suối nước nóng thiên nhiên ở đây sẽ làm tôi nhớ lại những lần đi Rotorua ở North Island, NZ. (Kỹ niệm lại hiện về, phải dấu bà xã vụ này.)

Banff cũng là thành phố du lịch, phong cảnh rất là đẹp, có lối kiến trúc thật dễ thương. Những con đường nhỏ cho người đi bộ quanh phố và cả trên những ngọn đồi cũng có đường mòn cho du khách. Có một điều đặc biệt là du khách Nhật Bản chiếm số đông, nên sách, bản đồ, bản chỉ dẫn đều có tiếng Nhật. Từ Jasper, qua Lake Louise, đến Banff, nơi nào cũng đầy du khách Nhật Bản. (Nếu bạn ghé đây, bạn cần nên mang theo extra credit cards.)

Banff có những khách sạn to như những tòa lâu đài bạn thấy trong tranh vẽ. Hoàng đưa chúng tôi vào viếng một trong những "Lâu Đài Khách Sạn" này, trong khi Tuyết phải hy sinh ngồi trông xe, vì không tìm được chê đậu.

Rời Banff, chúng tôi được chở về Calgary, tá túc một đêm trong gia đình người em trai của Tuyết. Tuyết nhất định không cho chúng tôi đi thuê khách sạn. Chúng tôi lại được khổ chủ nhường tất cả các phòng ngủ trên lầu cho hai gia đình, phần chủ nhà thì vợ chồng con cái xuống hết dưới basement. Chúng tôi áy náy quá chừng, nhưng Tuyết cứ bảo là không sao. Thôi cũng đành vậy, chứ biết làm sao!!!

Tối đó, ăn uống xong, Hoàng lại đưa chúng tôi qua nhà một cô em gái của Tuyết để...hát Karaoke. Mục này, thường ngày Hiền rất là ưa thích, nhưng có lẽ vì đi chơi nhiều quá, nên...mệt, do đó vợ tôi hát bị "bễ dĩa", bắt tôi phải "hát" thế, làm hư luôn cặp speakers của chủ nhà. Trong dịp này, tôi khám phá ra một tài năng mới. Cặp Hoàng Tuyết còn là hai ca sĩ rất nhà nghề. Hoàng không những hát hay mà còn có khả năng trình diễn rất "tới" nữa.


From left to right: Chris, Yến Tuyết, Dĩ An, Từ Hiền, Hưng

Trưa hôm sau, chúng tôi trở về lại Houston. Hoàng Tuyết tiễn chúng tôi đến tận cửa quan thuế. Ông nhân viên quan thuế, sau khi nhìn Hiền và Dĩ An, quay sang tôi, lên giọng hỏi: "Sir, Where do you take your two daughters to today?" Tôi cười, đáp: "They ran away, I just found them and bring them home." Hiền khoái chí, nhìn tôi cười ngất. (Chuyến đi đầy đủ niềm vui, chỉ trừ đoạn này.)

Để kết luận "thiên" hồi ký này, tôi xin thành thật mà nói rằng: Mùa hè qua Alberta, Canada thật tuyệt. Khí hậu mát, phong cảnh đẹp ngẩn ngơ, nhiều chỗ hùng vĩ, lắm nơi nên thơ, và cũng không ít nơi gợi lại trong ta những kỹ niệm đẹp ở NZ. Nhưng trên tất cả thứ phải nói đến sự hiếu khách và dễ thương của người Việt Nam ở đây. (Sau khi "Tây du" về, tôi mới biết Calgary còn là "tổng hành dinh" của "The Cao Boys" nữa. Gần đây, "The Cao Boys" tái xuất giang hồ và cũng sẵn sàng đón chào bà con Ex-Kiwi.)


Nguyễn Phục Hưng và Lê Đăng Hoàng. 
(Đố các bạn biết anh nào ở xứ lạnh, anh nào ở xứ nóng? - Ed)

Tôi xin đề nghị Ex-Kiwi chúng ta nên gặp mặt ở Calgary & Edmonton một lần để thấy được tận mắt những phong cảnh mà gia đứnh tôi đã thấy và đón nhận lòng ưu ái từ những người bạn "Cà-Na-Điên", gốc Việt, của chúng ta.

Houston 21 April 1999

Nghệ Thuật Phổ Thơ Vào Nhạc

Phạm Quang Tuấn

(Lưu ý: bài này gọi tên các cung bậc theo lối Anh-Mỹ, tức là Do, Re, Mi v.v. là các bực I, II, III v.v. kể từ chủ âm (tonic), còn C, D, E v.v. là tên các nốt nhạc.)

Trong bài này tôi xin nói về nghệ thuật phổ nhạc bằng cách phân tích một số những bài ca của Phạm Duy. Lựa toàn nhạc Phạm Duy vì tôi nghĩ rằng trong các nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam không ai hơn được ông về nghệ thuật này. Không phải là bài nào Phạm Duy phổ cũng hay, cũng không phải bài nào nổi tiếng của ông cũng hay, nhưng ông biết cách dùng đủ mọi kỹ thuật một cách rất lão luyện và những bài hay nhất của ông thì chưa ai hơn được. Tôi sẽ đưa ra những bài rất tương phản về cảm xúc cũng như kỹ thuật, để minh họa điểm này.

Khi nói về thơ phổ nhạc, và về nhạc Việt Nam nói chung, người ta thường chú trọng nhiều hơn đến sự gợi cảm của lời ca. Đây là quan niệm thông thường của người Việt về âm nhạc, như một tác giả VN đã nói: "Ấm nhạc là một nghệ thuật dựa trên hai yếu tố căn bản: vô ngôn và trực nhận. Ấm nhạc đến hoặc không đến với chúng ta. Chúng ta cảm hoặc không cảm một bản nhạc. Với âm nhạc, không có vấn đề: hiểu hoặc không hiểu. Vì âm nhạc không cần lý luận, dẫn giải..." Theo tôi, đây là một quan niệm sai lầm và lười biếng, vì một nhạc sĩ giỏi phải biết dùng kỹ thuật để gây rung cảm, và người nghe nếu hiểu biết những kỹ thuật đó sẽ lĩnh hội ý nhạc hơn. Cái đó không những không ngăn trở sự rung cảm mà còn tăng gia sự thích thú và rung cảm khi nghe nhạc, cũng như người biết võ tất nhiên phải thưởng thức hơn người không biết võ khi thấy võ sĩ múa một bài quyền. Vì vậy trong bài này tôi sẽ nhấn mạnh về khía cạnh nhạc hơn là lời.

KỶ VẬT CHO EM

Phạm Duy
theo thơ Linh Phương

Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại?
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về
Anh trở lại, có thể bằng chiến thắng Pleime
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã
Anh trở về. anh trở về, hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn mùi tang trắng.

Thoạt nghe qua và nhìn vào nhạc, khó có thể thấy là nhạc bài này hay ở chỗ nào. Nhưng không thể quên được cái tác dụng mà nó gây vào thính giả miền Nam trong thời chiến. Phạm Duy kể là mỗi lần nó chơi ở phòng trà là như có "riot". Tôi còn nhớ khi ở New Zealand bọn du học sinh chúng tôi được nghe băng này, đứa nào cũng bàng hoàng. Thậm chí có người ở miền Nam đã cho rằng bài này là một trong những lý do làm miền Nam thua!

Tại sao bản nhạc này lại có một tác dụng mãnh liệt như thế? Đành rằng lời cũng có ảnh hưởng phần nào, nhưng những lời phản chiến cay đắng như vậy ở miền Nam ngày xưa không phải là quá hiếm.

Nhìn vào melody thì thấy rất giản dị, không có những hợp âm, modulation cầu kỳ. Lại dùng thể major và mới vào những notes đầu đã theo y hợp âm major tonic (Do, Mi, Sol):

"Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại?"

đáng lẽ phải dành cho những bản vui tươi dễ dãi! Tiết tấu cũng không có gì rắc rối cầu kỳ, tuy có một nhịp chỏi (syncopation). Nói tóm lại, về phương diện nhạc lý, cấu trúc, khó giải thích được tác dụng của bài nhạc.

Theo tôi, tác dụng này chính là ở cái tiết tấu và âm giai vô cùng giản dị nhưng mạnh mẽ đó. Câu đầu dùng có 4 notes (sol cao, mi, do, sol thấp) mà trải một octave, gây một cảm tưởng trực tiếp, không cầu kỳ, đánh mạnh vào xúc cảm của người nghe. Cái này kết hợp với tiết tấu cũng giản dị mạnh mẽ để đi thẳng vào lòng người. Điệu trưởng làm cho nhạc đượm một vẻ chua chát, thay vì cái buồn nỉ non ủ rũ của điệu thứ.

Tiếp tục bản nhạc, giai điệu cứ tiếp tục cái kiểu cứng cỏi giản dị đó, nhảy từng quãng (intervals) lớn, nhiều lúc thoạt nghe thấy vụng về khó chịu, nhưng nghĩ kỹ thì mới thấy là đây là cái "vụng về cố ý" rất sâu sắc. Nó lại đi rất sát với lời, vì lời bài thơ cũng không cầu kỳ mà dùng toàn những chữ giản dị, nôm na, cứng, mạnh để đập thẳng vào emotion của người nghe:

"Anh trở về, hòm gỗ cài hoa..."

Nhạc này thời đó chơi theo kiểu rock của Mỹ, với tiếng percussion mạnh mẽ, cùng với giọng hát rất truyền cảm của Thái Thanh, rất thích hợp với điệu nhạc.

THUYỀN VIỄN XỨ

Phạm Duy
theo thơ Huyền Chi

Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ sóng tơi bời
Làn mây hồng xa ráng trời
Bến Đà Giang, thuyền qua xứ người...

Bài này, so với Kỷ Vật Cho Em, thì quả là tương phản đủ mọi mặt nhưng cũng đạt một tột đỉnh nghệ thuật. Một bài thì dồn dập, "vụng về", thô bạo, một bài thì êm dịu, uyển chuyển. Cái tính cực kỳ đa dạng (diversity) này của Phạm Duy chưa có nhạc sĩ Việt Nam nào bén gót. Để biểu diễn một tình cảm nostalgia êm nhẹ, Phạm Duy dùng một tiết tấu nhẹ nhàng và một giai điệu rất êm. Ông cho vào những accidentals như Mi ở chữ thứ 3 ("sương") (thay vì Mi thứ của thể minor), Sol flat ở chữ thứ 5 ("lên"), gây ra những bán cung ẩn (implied) hoặc hiện để làm tăng vẻ bàng bạc êm dịu đó. Cấu trúc của giòng nhạc là một cấu trúc rất cổ điển, rất đẹp, bốn câu đầu uyển chuyển đi lên từ từ rồi rút xuống. Cái dáng (melodic contour) này được nhắc lại và nhấn mạnh thêm ở bốn câu sau, nghĩa là đi lên cao hơn, mạnh hơn trước khi lại rút xuống, như sóng thuỷ triều hay sóng trong lòng người nhớ quê hương:

Thuyền ơi viễn xứ xa xôi
Một lần qua giạt bến lau thưa
Hò ơi giọng hát thiên thu
Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngân về

Sang đoạn sau, cái contour này lại mạnh hơn nữa khi giòng nhạc lên cao vút và đổi qua major:

Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi
Đời nhịp sầu lỡ bước bước hoang mang rồi
Quay lại hướng làng
Đà Giang lệ ướt nồng

và cuối cùng dừng lại ở âm Do cao:

Mẹ già ngồi im bóng
Mái tóc sương mong con bạc lòng

trước khi trầm lắng xuống và trở về giai điệu đầu tiên:

Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người
Mịt mù sương khói lên hương
Lũ thùy dương rũ bóng ven sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường...

(Thuyền Viễn Xứ được tôi phỏng soạn cho guitar tremolo - xin xem địa chỉ web ở cuối bài.)

NGẬM NGÙI

Phạm Duy

Thơ Huy Cận

Nếu hai bài Kỷ Vật Cho Em và Thuyền Viễn Xứ tương phản nhau về cách dùng giai điệu (một bài cố ý vụng về, một bài khéo léo uyển chuyển), thì hai bài Ngậm Ngùi và Nụ Tầm Xuân tương phản nhau về kỹ thuật xử dụng tiết tấu, một bài giản dị, một bài phức tạp.

Ngậm Ngùi là một bài thơ lục bát, một thể thơ rất đều đặn, mỗi câu kết thúc với một vần bằng (thực ra câu bát kết thúc bằng hai vần bằng ở chữ 6 và 8). Trong tiếng Việt, vần bằng là những âm đơn cung (monotone), không lên xuống, gây một cảm tưởng yên tĩnh, nghỉ ngơi. Ấm ngang là đơn cung cao, âm huyền là đơn cung thấp.Vần trắc trái lại là những âm chuyển động, đi từ tone này qua tone khác (như sắc, hỏi, ngã, hoặc bị chặn trong họng như nặng, hoặc chặn ở hàm, lưỡi, môi như át, áp...

Trong âm nhạc, tính yên tĩnh nghỉ ngơi của vần bằng được thể hiện bằng chủ âm (tonic) của âm giai, mà ta gọi là "Do" trong tonic sol-fa. Đi về chủ âm, nhất là nếu có hợp âm chủ (tonic chord) nâng đỡ, là cảm thấy như thuyền đã về tới bến. Lục bát có một âm điệu rất dễ dãi đối với người hay đòi hỏi, rất khoái tai đối với người dễ tính, là vì nó có tới ba vần bằng rất mạnh trong mỗi hai câu (cộng với tiết tấu chẵn đều đặn) 1 2, 1 2, 1 2....

Nhạc của bài Ngậm Ngùi là một trong những bản thơ phổ nhạc giản dị nhất của Phạm Duỵ Có thể nói là tất cả những đặc tính dễ dãi của lục bát được dịch sát ra âm nhạc. Nguyên đoạn đầu, mỗi câu kết thúc bằng một chủ âm (huyền = Do thấp, ngang = Do cao):

Nắng chia nửa bãi chiều rồi (Do thấp)
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu (Do thấp)
Sợi buồn con nhện giăng mau (Do cao)
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây (Do cao).

Nhip cũng đều đều giữ nguyên tính cách ru ngủ của thơ lục bát, không thêm bớt vần nào. Vì trung thành với thơ như vậy, nên hát lên nghe gần như là đọc thơ - ĐỌC chứ không phải là NGẤM, vì khi ngâm người ta ngân nga ra thành những âm điệu phức tạp hơn. Có lẽ nhạc bài Ngậm Ngùi vô cùng ăn khách ở cái lục bát tính đó.

Vào đoạn giữa, sự đều đặn được giảm bớt nhờ chuyển giọng (modulate) sang âm giai Fa.

Lòng anh mơ với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.

Tiết tấu 3+3 của câu lục (mà ta thỉnh thoảng thấy trong lục bát, kiểu như "khi chén rượu, khi cuộc cờ") được dịch y nguyên ra nhạc:

Ngủ đi em - mộng bình thường...

(1 2 3, 1 2 3)

Ngủ đi em - mộng bình thường...
Ru em sẵn tiếng, thùy dương đôi bờ
Ngủ đi em, ngủ đi em.

Kết thúc bài là những cung của hợp âm Do thứ để gợi một cảm giác lâng lâng, uể oải:

Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

Về giai điệu, câu kết rất cân đối với câu đầu, vì câu đầu làm bằng những cung của hợp âm Do major.

Cũng xin nói là theo ý tôi, không phải bài nào của Phạm Duy hay của các nhạc sĩ khác mà theo sát lời cũng thành công như Ngậm Ngùi. Quá nhiều bài (kể cả nhiều bài rất nổi tiếng, xin miễn kể ra đây) có khuynh hướng lên xuống lung tung theo những dấu ngang sắc huyền hỏi ngã nặng của lời, và do đó nghe chỉ như một kiểu ngâm thơ tân thời, kém nhạc tính, vì không áp dụng những quy tắc thẩm mỹ của âm nhạc. Đây là một vấn đề chung trong việc phổ nhạc thơ Việt Nam mà tôi sẽ xin nói tới sau.(Ngậm Ngùi được tôi phỏng soạn cho piano - xin xem địa chỉ web ở cuối bài.)

NỤ TẨM XUẤN

Ca dao

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước uống vườn cà hái nụ tầm xuân...

Hai câu đầu cũng lục bát, nhưng cách phổ nhạc khác hẳn Ngậm Ngùi. Thay vì theo sát tiết tấu và âm điệu của thể thơ, Phạm Duy tận dụng những kỹ thuật của dân ca Việt Nam mà ông rất rành, biến đổi tiết tấu bằng nhiều cách:- Láy và lót: chỉ hai chữ "trèo lên" mà thành 10 vần:

Trèo lên, lên trèo lên
Trèo lên, lên trèo lên

Tuy láy đi láy lại, nhưng không tẻ chút nào, vì giai điệu cũng "trèo lên" theo lời, trong mười vần đó đã lên gần hai octaves.- Melisma: một chữ mà kéo dài và uốn éo lên xuống qua nhiều cung:

Lên cây bưởi - i - í - i hài - i - í - i hoa

Câu bát cũng dùng những kỹ thuật đó:

Bước ra ra vườn cà
Bước ra ra vườn cà
Hai - í nụ - ù - u - ú tầm -ừ - ư ứ xuân...

Sang những đoạn sau, tiết tấu chậm dần và trở thành ngân nga

...Sao em không hỏi
Sao em không hỏi
Những ngày em còn không...
Rồi bỗng trở lại nhịp nhàng
Giờ đây đây giờ đây
Giờ đây đây giờ đây
Đây em đà - a - á - a có - o - ó - o chồng

v.v.

Những cách lót, láy và melisma này Phạm Duy còn dùng trong nhiều bài dân ca khác như Đố Ai:

Đố ai biết lúa - ơ ớ ơ ờ lúa mấy-ơ cây
Biết sông, biết sông mấy khúc ơ ớ ơ ơ ơ biết mây

etc.

Đó là về tiết tấu. Về âm giai, bài này dùng ngũ cung để hợp với dân ca, nhưng có chút nào âm điệu Tây phương vì xử dụng nhiều những cung của hợp âm trưởng (Do major). Cách đi lên trong câu lục

Trèo lên, lên trèo lên

rất giản dị mạnh mẽ và dễ nghe: dùng quãng 5 (fifth interval) của Do (Do - Sol), rồi quãng 5 của Fa (Fa - Do), rồi quãng 5 của Sol (Sol - Re), rồi quãng 5 của Dọ Những người biết nhạc lý sẽ thấy ngay rằng quãng 5 là "hợp âm" căn bản nhất trong mọi loại nhạc, (nó là harmonic đầu tiên sau octave) và Fa - Do - Sol - Re là tứ cung căn bản của dân nhạc, lập bằng một chuỗi quãng năm. Nó làm cho âm điệu câu này đượm một vẻ rất mạnh và sáng sủa, trước khi "resolve" bằng một câu có giai điệu rất êm ái (dùng quãng hai và ba):

Lên cây bưởi ơ ớ ơ hài ơ ớ ơ hoa ...

Sự tương phản từ mạnh mẽ sang êm ái này được các ca sĩ giỏi khai thác rất công hiệu, đang crescendo bỗng chuyển sang piano - grazioso.

Sau khi cho ta "leo cây" ở câu lục, câu bát kéo ta đi xuống, nhưng thay vì về Do thấp (tonic), bỗng chuyển hệ sang La (relative minor).

Hai - í nụ - ù - u - ú tầm - ừ - ư ứ xuân...

Lối chuyển hệ (metabole) này cũng là một kỹ thuật dùng trong những bài dân ca để gây một sự bất ngờ, kịch tính (dramatic).

Nói tóm lại, Phạm Duy đã tận dụng những kỹ thuật của dân ca như láy, lót, melisma và metabole để xây một bản "dân ca mới" rất điêu luyện.

TIẾNG SÁO THIÊN THAI

Phạm Duy
thơ Thế Lữ

Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi
Bên rừng thổi sáo một hai Kim đồng
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng
Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn...

Lại một bài lục bát. Nhưng lối phổ nhạc của Phạm Duy trong bài này hoàn toàn khác hẳn Ngậm Ngùi hay Nụ Tầm Xuân, đến độ khó tưởng tượng là ba bài cùng một người làm ra!

Về ý thơ, có một sự vừa tương phản vừa hòa hợp giữa cái vui của cảnh "xuân tươi, tiên đồng" với cái buồn buồn của thi sĩ nhớ thiên thai không bao giờ tìm lại được. Sự đối xứng này sẽ được nhạc sĩ diễn tả bằng sự tương phản giữa nhạc đoạn A và đoạn B (mà ta hay gọi là "điệp khúc").

Phạm Duy viết bài này cho cặp song ca Thái Thanh - Thái Hằng, nên nhạc có hai bè quan trọng ngang nhau. Ngoài ra ông còn viết nhạc đệm để nối tiếp các câu, phần đệm này gắn rất chặt chẽ với điệu chính, không thể tách rời. Phạm Duy nói là trong bài này ông đã bắt thơ phải theo nhạc, tức là đặt quy tắc thẩm mỹ của nhạc lên trên thơ, và kết quả là một bản nhạc dìu dặt nghe không thể biết được là thơ phổ.Bốn câu lục bát trên của Thế Lữ được xào xáo, sắp đặt lại để cho một âm điệu thích hợp:

Xuân tươi
Êm êm ánh xuân nồng
Nâng niu sáo bên rừng
Dăm ba chú Kim đồng
La lá la là
La la la la la la la
La la la la la la la
Hò xang xê tiếng sáo
Nhẹ nhàng lướt cỏ nắng
Nhạc lòng đưa hiu hắt
Và buồn xa, buồn vắng
Mênh mông là buồn...

Tuy lời lẽ khác hẳn, nhưng đọc kỹ thì lạ thay, tất cả các từ trong nguyên bản cũng đều nằm trong bài ca gần như không thiếu chữ nào! Thêm một vài chữ lót, đệm như "nâng niu", "hò xàng xê", "êm êm" không thay đổi gì không khí của thơ. Tuy sắp đặt lại, lời vẫn hoàn toàn tự nhiên không gượng ép. Đoạn hai tiếp tục theo kiểu đó:

Tiên Nga
Buông lơi tóc bên nguồn
Hiu hiu lũ cây tùng
Ru ru tiếng trên cồn
La lá la là
La la la la la la la
La la la la la la la
Hò ơi, làn mây ơi
Ngập ngừng sau đèo vắng
Nhìn mình cây nhuộm nắng
Và chiều như chìm lắng
Bóng chiều không đi...

Thật là một kiểu phổ thơ rất độc đáo. Bây giờ ta hãy nhìn vào nét nhạc. PD dùng nhịp Tango, nhưng một thứ tango rất đặc sắc, đã biến đổi theo cách của ông. Nhịp Tango thường rất nặng nay được làm nhẹ đi bằng những triplets tuôn ra liên miên bất tuyệt như những đợt sóng không bao giờ ngừng (đây ta phải kể cả nhạc đệm "la la la ..." là một phần không thể tách rời của điệu nhạc). Tổng cộng gần 60 vần nối tiếp nhau! Không có bản nhạc Việt Nam nào khác viết theo kiểu như vậy, tuy kỹ thuật này dùng nhiều trong nhạc cổ điển Tây phương.Về giai điệu, Phạm Duy cũng xử dụng một kỹ thuật tthường dùng trong nhạc cổ điển Tây phương là đi từ một motif (câu ngắn, ý nhạc nhỏ) mà khai triển ra. Motif này gồm năm vần, và cách lên xuống của nó được thấy rõ nếu ta dùng những dấu tiếng Việt (bỏ hai chữ đầu):

Ngang ngang sắc ngang huyền
Ngang ngang sắc ngang huyền
Ngang ngang sắc ngang huyền

Mỗi lần láy lại motif, thì thay đổi lên xuống một chút. Đoạn hai hơi thay đổi motif:

Nặng huyền sắc huyền sắc
Nặng huyền ngang huyền sắc
Huyền huyền ngang huyền sắc

Người hát hay phải biết đưa vào một tương phản nào đó để cho những câu láy trở thành hâp dẫn; chẳng hạn, họ có thể thay đổi dynamics hay ngắt hơi (staccato) ở cuối 2 lần dầu, và ngân dài ở lần cuối:

Buông lơi tóc bên nguồn (NGẰT)
Hiu hiu lũ cây tùng (NGẰT)
Ru ru tiếng trên cồn (NGẤN)

Xử dụng một motif ngắn như vậy làm bản nhạc dễ cảm nhận, nhưng muốn thực sự hay thì phải có một cái "melodic contour" (hình dáng lớn của giai điệu) đẹp để làm sườn, trên đó đặt motif như những viên gạch. Melodic contour đoạn đầu bài này khởi tư trên cao, đi xuống tùng đợt, tới đáy ở chữ "kim đồng", rồi từ từ đi lên trở lại. Hình thể như chữ U hay như thung lũng. Cái contour này được nhắc lại một lần nữa trước khi đi vào đoạn giữa.Hiệu quả của cấu trúc này là một điệu nhạc rất vui tươi, rất dễ cảm nhận, nhưng cũng rất mỹ thuật ở quy mô lớn và nhỏ. Ngoài ra cũng nên nhận thấy là đi qua gần 120 notes nhạc rồi mới nghỉ ở chủ âm, khác với Ngậm Ngùi cứ 6 hay 8 chữ là về chủ âm. Sự dè sẻn chủ âm này làm cho ý nhạc chuyển động không ngừng.Sang đoạn giữa (B), Phạm Duy tạo ra một sự tương phản tuyệt đẹp không những về tiết tấu (từ liên tục đổi thành chậm rãi, ngắt quãng), mà còn bằng cách chuyển vào âm giai thứ của cung bậc 3, tức là từ Do major chuyển qua Mi minor. Đây là một modulation khá đặc biệt (phần lớn nhạc sĩ khác sẽ chuyển qua Do minor hoặc La minor chứ không nghĩ tới chuyển qua Mi minor), nó cho điệu nhạc lúc này một màu sắc hơi bất ngờ, mơ hồ, lâng lâng, buồn buồn... nói tóm lại là rất hợp với lời:

Trời cao xanh ngắt, xanh ngắt
Ô ô ô kià
Hai con hạc trắng
Bay về nơi nao ?

Sự tương phản với đoạn A được nhấn mạnh bằng những melisma (uốn éo giọng) và appoggiatura rất duyên dáng, uyển chuyển trong những chữ "Ô", "hạc", "trắng", "bay", "về"...Sau khi củng cố giọng Mi thứ bằng những hoà âm thường lệ (La thứ, Si 7, Mi thứ), nhạc chuyển qua relative major (Sol trưởng) rồi dùng những dominant progressions (hợp âm Mi -> La -> Re -> Sol -> Do nối tiếp nhau từng quãng 4) rất tự nhiên, hợp lý và cổ điển để trở lại giọng Do cũ:

Trời cao xanh ngắt,
ô ô ô kià
Ô ô ô kià
Hai con hạc trắng
Bay về về nơi nao...

Những modulations và chord progression liên miên này làm màu sắc nhạc trong đoạn B thay đổi không ngừng, khiến ngưòi nghe có cảm tưởng như đi qua một "cầu vồng âm thanh" (rainbow of sound) khó tìm thấy trong bản nhạc Việt Nam nào khác. Điều kỳ diệu và lý thú là trong đoạn A, sự chuyển động (movement) của nhạc nằm ở bề mặt, ở tiết tấu rộn rã, còn sang đoạn B, sự chuyển động này "lặn" xuống chiều sâu của hoà âm, còn bề mặt tiết tấu thì trở thành phẳng lặng.

Trong khi bài Tiếng Sáo Thiên Thai chú trọng đến âm điệu để quyến rũ lòng người, bài Pháp Thân sau đây chú trọng đến việc dùng âm điệu, nhất là hòa âm, để diễn tả ý tưởng. Có thể gọi đây là nhạc biểu tượng (symbolistic music). Phạm Thiên Thư, cũng như Phạm Duy, nổi tiếng nhất trong quần chúng là nhờ những bài tình ca như "Ngày Xưa Hoàng Thị", nhưng về giá trị nghệ thuật thì phải kể đến những bài Đạo Ca của hai tác giả này.

PHÁP THẤN (Đạo Ca 1)
Thơ Phạm Thiên ThưPhạm Duy phổ nhạc

Theo tôi, Mười Bài Đạo Ca là một trong hai tác phẩm hay nhất của Phạm Duy (tác phẩm kia là trường ca Mẹ Việt Nam), mà cũng là của nền tân nhạc Việt Nam nói chung. Đoạn này dựa theo hai nhà nhạc học Etienne Gauthier và Hoàng Ngọc Tuấn. Vì bài đã khá dài nên chỉ nói về Đạo Ca 1 (Pháp Thân) mà thôi.Đạo ca là thơ của Phạm Thiên Thư, một thầy tu kiêm thi sĩ (hoặc thi sĩ đội lốt thầy tu), do Phạm Duy phổ nhạc. Chữ "Đạo" không có nghĩa là tôn giáo, mà có nghĩa là con đường. Tuy nhiên Đạo không phải chỉ có nghĩa là con đường của Lão. Ý nghĩa chữ Đạo đã rõ ràng trong toàn thể mười bài Đạo Ca và thâu tóm trong bài một: mình với ta tuy hai mà một, thì tại sao còn phân biệt Lão với Phật?

Đạo Ca không phải là một bài học triết lý. Đã rất nhiều tác phẩm văn học nói về những ý tưởng trong Đạo Ca một cách sâu sắc hơn. Cái đặc biệt của Đạo Ca là sự cộng tác mật thiết giữa hai tác giả, đưa đến một sự đồng nhất chưa từng có giữa thơ và nhạc. Về nhạc lý, điểm đặc sắc nhất của Đạo Ca là trong vài bài nhạc sĩ đã xây dựng toàn bản nhạc căn cứ từ hòa âm (harmony) chứ không phải là từ sự ngân nga câu thơ như lối làm nhạc của hầu hết các nhạc sĩ VN, ngày xưa cũng như bây giờ.(muốn nghe Đạo Ca bằng realaudio xin vào http://kicon.com/PhamDuy)

Đạo ca 1: PHÁP THẤN

Xưa em là kiếp chim
chết mục trên đường nhỏ
Anh làm cội băng mai,
để tang em, chờ mấy thuở

PTT/PD đặt tên tựa cho Đạo Ca là "Trong thành vách sương mù" - một người đi tìm chân lý, để thoát ra khỏi đám sương mù tối ám. Chân lý có thể ở rất gần ta nhưng ta không thấy. Bài ca khởi đầu ở Sol trưởng, nhưng ngay cuối câu đầu đã xuất hiện nốt E giảm nghe là lạ - giọng C thứ chăng? Trở lại G trưởng, nhưng rồi lại hiện ra một cung B giảm không thuộc thể trưởng. Câu nhạc nghe khúc khuỷu, lần mò, sờ soạng, nhiều lần như muốn đổi mà lại trở về chỗ cũ, chân lý như sát gần nhưng rồi lại xa vời:

Xưa em làm kiếp lá,rụng xuống lòng suối thuAnh làm mưa tháng bẩy,đôi hàng lệ ướt tương tưXưa em làm kiếp hoa,chết rũ trong nội cỏ

Anh làm giọt sương sa,
sầu thương em, lệ anh nhỏ
Xưa em làm kiếp gió
hay có làm kiếp mây
Anh làm chim chích choè,
trên đầu gậy, anh hát ca ...

Nhưng rồi, bỗng như một tia mặt trời lóe sáng, "thành vách sương mù" rẽ ra và chân lý huy hoàng hiện ra trong giọng E giảm trưởng, đầy vẻ hân hoan:

A ha, ta tuy hai mà một!
A ha, ta tuy một mà hai!A ha, ta tuy hai mà một!A ha, ta tuy một mà hai!

một giọng E giảm trưởng thật bất ngờ mà cũng thật hợp lý, thật xa lạ mà cũng thật gần gũi (vì từ hợp âm G trưởng tới hợp âm E giảm trưởng chỉ đổi có hai bán cung). Chân lý ở ngay cạnh ta mà ta không biết!Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn phê bình rằng sự xử dụng hoà âm một cách hợp lý để xây dựng bản nhạc này đã khiến cho nó xứng đáng được coi là tột đỉnh của âm nhạc VN trước 1975.

THU CA ĐIỆU RU ĐƠN
Thơ Verlaine - Phạm Duy dịch và phổ nhạc

Trong hai bài về thu mà Phạm Duy dịch từ thơ Pháp, bài Mùa Thu Chết ("Ta hái đi một cụm hoa thạch thảo..." ăn khách hơn nhiều vì âm điệu dễ nghe hơn, và có lẽ cũng vì có ta với em ở trong, còn Thu Ca Điệu Ru Đơn thì rất đơn độc! Nhưng về giá trị âm nhạc thì Thu Ca cao hơn Mùa Thu Chết.

Thu Ca không phải là một bài thơ phổ nhạc theo nghĩa thông thường vì lời được phỏng dịch từ tiếng Pháp. Tuy nhiên tôi cũng nói về nó ở đây vì Phạm Duy đã rất xuất sắc trong việc diễn đạt những ý tưởng, cảm xúc của nguyên bản.

Les sanglots longs
Des violons
De l'automne
Blessent mon coeur
D'une langueur
Monotone...

Bài thơ của Verlaine rất nhiều ấn tượng, ông gợi lên những tiếng vĩ cầm lê thê, nức nở, làm ta có thể tưởng tượng cả những tiếng mã vĩ cọ sát dây đàn khi tấu lên mỗi nốt nhạc. Nhạc của Phạm Duy đã diễn dịch những ấn tượng đó thành nhạc rất thành công.

Đoạn đầu (A) đi vào với một điệu nhạc chậm rãi, mềm dẻo, lướt dài như tiếng vĩ cầm một cách uể oải và lê thê trong thể minor (hay đúng hơn là một thể ngũ cung):

Muà thu ...
Nức nở ...
Tiếng thở ...
dài ...
Tiếng vĩ cầm
Buồn ơi
Mùa thu ơi ...

Sang đoạn B, tiếng "sanglots" của vĩ cầm được diễn tả rất tuyệt diệu với những âm Fa (tôi trở lại dùng ký âm tonic sol-fa, tức là bực 4 của chủ âm) rất trầm

Nghẹn ngào
Tê tái ...
Nghẹn ngào
Tê tái ...
Khi giờ
Đã điểm

Câu nhạc ngắn, như những tiếng nghẹn, và khô, chỉ dùng bực 1, 5 và 8 của âm giai Fa, rồi transpose cái motif đó lên Si flat, một hợp âm nghe hơi chướng, để diễn tả sự nghẹn ngào tức tưởi trong cổ họng. Motif rất ngắn (hai nốt nhạc) đó láy nhiều lần, lên dần, rồi không được hóa giải (resolve) về chủ âm mà lơ lửng ở cung Re (bậc 2) để diễn tả tâm thần hoang mang bất định của thi sĩ.

Và ta khóc lóc...Và ta khóc lóc...

Sang đoạn C, người thi sĩ đi lang thang trong ngọn gió:

Et je m'en vais
Au vent mauvais
Qui m'emporte
De ca, de la
Pareil à la
Feuille morte ...

Ta đi
Rồi ta đi
Theo ngọn gió
Ta đi
Ta đi
Theo ngọn gió xấu
Cuốn ta đi
Trôi dạt
Đây đó
Như chiếc lá
Mùa thu
Lá chết vàng khô...

Cũng những câu nhạc rất ngắn, chỉ hai tới bốn tiếng, như những chiếc lá khô thoáng bay lả tả trong gió. Cũng như đoạn hai, không có sự hóa giải về chủ âm, mà nét nhạc kết thúc lơ lửng ở Sol (bực 5).

Từ những tiếng nỉ non kể lể có tính cách hơi cải lương của Đặng Thế Phong trong "Giọt Mưa Thu" tới khúc nhạc đầy ấn tượng của Thu Ca Điệu Ru Đơn, nhạc về Thu của Việt Nam đã tiến một bước rất dài. Nhạc thương mại gần đây không có bài nào tiếp nối, thậm chí bén gót "Thu Ca" mà trái lại, có vẻ quay trở lại cái nỉ non dễ dãi thời xa xưa.(Thu Ca Điệu Ru Đơn được tôi phỏng soạn cho classical guitar - xin xem địa chỉ web ở cuối bài)

KẾT LUẬN

Qua những bài thơ phổ nhạc vừa kể, tôi đã cố gắng minh họa những kỹ thuật phổ nhạc Việt Nam của một bực thầy rất đa dạng về môn này.

Từ giản dị (Ngậm Ngùi) đến cầu kỳ (Nụ Tầm Xuân), từ "cố ý vụng về" (Kỷ Vật Cho Em) tới tinh vi (Thuyễn Viễn Xứ), từ âm điệu dân nhạc Việt Nam (NTX) tới âm điệu Tây phương (Tiếng Sáo Thiên Thai), từ cách dùng tiết tấu (NTX, TSTT, Thu Ca) tới cách dùng giai điệu (TVX) tới cách dùng hòa âm (TSTT, Pháp Thân), từ giữ nguyên bản (NN) tới sắp đặt hẳn lại lời thơ (TSTT), không có khía cạnh nào của kỹ thuật phổ nhạc mà Phạm Duy không có tài xử dụng một cách lão luyện.Tựu chung, mục đích của sự phổ nhạc thơ là để tăng cường âm điệu và ý tưởng của thơ. Có hai cái tests ta có thể dùng để xem mục đích đó có đạt được hay không:1. Người nghe không được cảm thấy đây là bài thơ

2. Nếu biết là thơ, người nghe phải cảm thấy bài ca có cái gì hay hơn bài thơ, và dĩ nhiên là không đi ngược ý bài thơ.

Phổ nhạc thơ Việt Nam rất dễ mà cũng rất khó. Dễ, là vì tiếng Việt có dấu, âm điệu bằng trắc êm ái của thơ tự nó đã gợi ra điệu nhạc uốn éo đi lên đi xuống. Chỉ cần nghe những điệu "hò Huế" thì đủ thấy là lời thơ dễ ảnh hưởng lên nhạc chừng nào. Khó, là vì chính những dấu đó cầm tù người viết nhạc, khiến trí tưởng tượng âm nhạc của họ như bị xiềng xích, mất phóng khoáng, để những âm điệu của thơ trói buộc những quy luật mỹ thuật của âm nhạc.Vì vậy rất dễ làm một bài thơ VN phổ nhạc tầm thường. Bất cứ ai biết 1, 2 âm giai (trưởng, thứ hay ngũ cung) cũng có thể "phổ nhạc" một bài thơ. Phần lớn thơ phổ nhạc VN nằm trong loại này. Rất khó làm một bài thơ phổ nhạc xuất sắc, thoát ra ngoài điệu thơ và đem thêm hồn vào thơ như những bài ta đã thấy.

The Mural

Quy Le

Manh Long Dam who came from the Giang Tay district and Scholar Chu shared a flat in the Capital City. One day they went for a walk and decided to call in a pagoda on the roadside.

The worship temple and surrounding building were not very large. The residing monk came out to greet them and asked them to feel at home.

At the center of the altar there was a statue of Buddha mounted on a pedestal. The murals on the opposite sidewalls depicted beautiful scenery.

The mural on the East wall also showed a group of fairies walking among the flowers. One of them looked about 16 years old. She had long fair floating over her shoulders. Her smiling eyes appeared to be moving. Master Chu stared at her, his body becoming numb.

Suddenly he felt as if he was being lifted up closer to the mural. Then he saw so many magnificent castles and temples unlike those he had seen before.

He saw a monk standing on top of a tall tower, preaching to a large crowd. Chu went to mingle with the crowd. Suddenly he felt someone grab the back of his jacket. He turned around and saw a girl with long hair floating over her shoulders. She quickly walked away. He hurriedly followed her. She turned around the corner then entered into a small house. Chu hesitated, not knowing what to do next. The girl turned her head around, waved her hand as to ask him to come in. He quickly stepped inside.

There was no one else inside the house. He went up to the fairy and gently put his arms around her. She responded favourably by hugging him fondly. Tenderly they moved to the bed and began involved themselves in the ultimate intimacy. She later got up, reminded him not to open the door to any one else and left him.

When the night fell, she came back. They continued their love relationship for the next two days. Other fairies heard about his present decided to drop in the house. They found the couple drinking tea together. They laughed and said teasingly to the fairy with long hair floating over her shoulders, "The little baby inside your body is getting bigger each day, so don't you pretend you are still a single girl".

They gathered around her, combed her hair up into a topknot, a traditional hairstyle for married women. The girl blushed but did not say anything.

"Girls!" One of the fairies said, "We should all leave now and let them enjoy the fun." The fairies giggled and left. Chu looked at her new hairstyle. A few wisps of hair hung over her forehead. He thought that she looked even more charming and beautiful than before.

Silence now reigned over the house. Chu sat closer to the girl and caressed her. They fell into ultimate love again.

They were aroused by noisy footsteps. They also heard the sound of chains and that of people talking. The fairy promptly sat up. She gripped his hand and they both tiptoed forward and peeped through the gaps between the door shutters. They saw a black faced angel, wearing the yellow battle garment. He held the handcuffs in one hand, and swung with other hand a chained iron ball. He walked angrily toward the house.

The angel then asked the crowd: "Can you hear me clearly?"

The crowd responded in unison: "Yes, sir."

The angel then said loudly: "Do you harbour any lawbreaker or immoral people?"

The crowd responded in unison: "No, sir."

The angel was taken by surprise, turned around and stared at the crowd, trying to detect any lie.

The fairy was shaken by fear. She looked around then whispered into Chu's ear: "Darling, crawl under the bed and hide yourself there."

She then opened a secret side door and left. Chu took her advice and curled up under the bed, trying to hold his breath. He could hear voices coming from the next room. A moment later the noise died down. He began to feel more secure. Next he could hear people gossiping in the street. As he had to curl himself up for a long time, his body began to ache. However he had to wait until the girl returned. He became confused, not knowing why he went there.

At the same time, Manh Long Dam wandered in the temple, had the feeling that something was missing. He asked the residing monk whether he has seen Chu anywhere. The monk replied smilingly: "He has gone to listen to the preaching!"

"Your Venerable, may I ask where it is?" asked Manh Long Dam.

The monk said: "It is not very far."

A moment later the monk knocked at the mural on the East wall and said loudly: " Mr Chu! What made you enjoy yourself for so long and forget to return?"

Looking at the mural he saw the image of Mr Chu craning his neck as trying to listen to somebody talking, the monk continued: " Your companion has been waiting for you for a long time."

Chu's image suddenly flew from the mural to the ground. He reappeared in real life but looked totally stunned, his eyes rolling up, hardly able to speak.

Manh Long Dam asked him what has happened.

Chu looked around and stammered: "I have been crouching underneath a bed. When I heard a loud thunder, I ran back here."

Both of them looked at the mural on the East wall. The young fairy walking among the flowers no longer had her hair floating over her shoulders. Instead she wore a topknot. Master Chu was shaken by what he saw, He put his hands together and bowed to the monk. He then respectfully asked him to explain about the strange things that have just happened. The monk smiled and gently said: "Illusion came from one's own mind, how can I explain it?'

Ôi Cuộc Đời... Đầy Phong Ba...

Trải qua bao thời đại, từ cổ chí kim các thi sĩ đại tài đã tốn biết bao giấy mực để cố diễn tả những nỗi lòng của những ngừơi yêu nhau ...những mối tình thiên thu bất tận đã không những được viết thành truyện truyền trong dân gian mà còn được lưu truyền giảng dậy tại các học đường .

Tôi không phải là nhà biên khảo nghiên cứu về vấn đề tâm lý này, nên xin miễn bàn về những đại tác phẩm có chứng tích "Tình Yêu"; tôi chỉ là người yêu thích thơ văn, ghi lại những cảm nghĩ của một bài thơ mà trong chúng ta, những người đã từng có những thuở mơ mộng của tuổi học trò ở nước Việt-nam dấu yêu đã có nhiều lần ngậm ngùi khi nghe bài thơ này. Đó là bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn" của T.T.K.H. Tiểu sử tác giả là ai, tôi không rõ, nhưng tên T.T.K.H. thì tôi đoan chắc là 99o/o những người thuộc lứa tuổi với tôi ai ai cũng biết đến....Bài thơ bất hủ này tả tâm trạng của ngừơi con gái VN mỗi buổi chiều buông đã đứng ngóng đợi người yêu đén thăm:

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương

Nhưng khi chàng trai xuất hiện thì sự hân hoan vui mừng đã không được đền đáp, mà rồi những nỗi buồn không tên , lo sợ cho cuộc tình tan vỡ, day dứt tâm hồn đã làm lòng người con gái đang lứa tuổi yêu đương phải chùng xuống:

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Giải đường xa vút bóng chiều phong
Và phương trời thẳm mờ sương cát
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng

***

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi

Tội nghiệp nàng với tình yêu đầu đời, đã nhìn cuộc sống lứa đôi qua lăng kính mầu hồng, nào có hiểu gì sự tan tác chia ly mà chàng trai sắp phải chia tay và rồi nàng đành phải chôn chặt nỗi lòng, gạt những giọt lệ nhớ nhung lặng lẽ bước lên xe hoa về sống bên người chồng không hề thương yêu:

Thuở đó nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy

***

Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường

Nỗi đau khổ nhất trong bài thơ này lại diễn tả thêm cảnh huống bi đát của mối tình này là người chồng đã biết chuyện vợ mình vẫn ấp ủ trong tâm tư hình bóng chàng trai và đã không đáp ứng những tình cảm nồng nàn của hạnh phúc lứa đôi......

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn dấu trong tim bóng một người

Rồi cho đến một chiều thu, nàng chợt hiểu ra , chạnh lòng tiếc thương mối tình cũ không tàn phai, ta hãy nghe đoạn kết mà tác giả T.T.K.H. đã diễn tả để thương xót cho số phận những người yêu nhau mà không lấy được nhau:

Buồn quá hôm nay xem tiêủ thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhung hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm pha

***

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây trắng
Người ấy sang sông ...đứng ngóng đò

***

Nếu biết rằng... tôi đã lấy chồng
Trời ơi người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng

T.T.K.H

Hồi còn học trung học, bài thơ trên đã lãng mạn hóa những cuộc tình mà trong chúng ta ai cũng phải nhỏ lụy, những câu thơ:

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời hết vui khi đã vẹn câu thề

hay

Không lấy được nhau ...ngậm ngùi nước mắt
Lấy được nhau rồi ...xé nát tim nhau

để an ủi những mối tình tan vỡ.

Cho đến lúc những người chung quanh bảo tôi là đã hết tuổi mộng mơ, dại khờ rồi, phải chấp nhận thực tế với:

Nếu biết rằng em đã... lấy chồng
Anh về lấy vợ... thế là xong
Vợ anh không đẹp... bằng em mấy
Anh lấy cho anh... đỡ lạnh lòng

Bốn câu thơ trên liên tưởng tới sự không chung thủy cuả những chàng trai lỗi ước hẹn thề, bốn câu thơ trên mở ra cả một phương trời và làm tôi tin tưởng ở số mạng con người đã có bàn tay tạo hóa an bài. Con người ta ai cũng có số phận, người nọ lấy được người kia là do ông tơ bà nguyệt se sợi chỉ hồng. Những câu thơ trên hàm xúc tất cả ý nghĩã của chuyện cổ đời xưa:

Vi Cố là một thư sinh chạy theo các lạc thú trên đời. Một tối nọ, sau khi đánh chén, rượu chè với bạn bè, anh ta say sưa trở về nhà; trên đường gặp một ông lão ngồi đọc sách dưới ánh trăng, bên cạnh để một gói đựng đầy sợi chỉ hồng. Thấy khí sắc ông lão khác thường, Vi Cố lại làm quen và hỏi sách đang đọc là sách gì? Ông lão trả lời: "Trong cuốn sách này có tên những người có duyên chồng vợ và chỉ đỏ này là để buộc họ vào với nhau".

Vi Cố bèn đánh bạo hỏi rằng: Tên cháu là Vi Cố, xin Cụ làm ơn xem giúp cháu sau này sẽ lấy ai làm vợ ? Ông lão nói:

"Thiên cơ bất khả lộ, tuy nhiên đối với cậu thì già này có thể cho biết được, sáng mai ra chợ, già sẽ chỉ cho". Sáng hôm sau vừa trông thấy Vi Cố, ông lão đã chỉ một con bé mới độ ba, bốn tuổi, quần aó rách tả tơi, con người ăn mày, đang chạy chơi gần đó. Vi Cố cho là mình bị trêu, liền tức giận chạy đến lấy gậy đập lên đầu con bé. Cả chợ nhốn nháo lên và Vi Cố liền bỏ chạy. Ngày tháng trôi qua, Vi Cố thi đỗ ra làm quan, hơn ba mươi tuổi mới lấy vợ, là con nuôi cuả vị quan đại thần trong triều ...Vợ chồng sống êm vui hoà thuận. Một hôm vợ đang ngồi chải đầu, Vi Cố đi qua, thấy dưới làn tóc óng mượt có một vết sẹo lớn, Vi Cố hỏi nguyên do. Vợ kể rằng vì nhà nghèo ở cuối chợ, và không hiểu vì cớ gì mà bị kẻ lạ mặt đánh lúc còn bé gần chết nên đã được quan đại thần đi qua nhận làm con đem về nuôi. Vi Cố mới nhớ lại câu chuyện xưa và tin vào những chuyện sợi xích thằng, lá thắm chỉ hồng để nói về duyên tiền định.

Tình cảm con người thay đổi qua nếp sống và diễn tiến của những sự việc xảy ra chung quanh. hơn hai thập niên cuối thế kỷ thứ 20, làn sóng tỵ nạn Việtnam ồ ạt di tản đến các nứơc văn minh, thì cuộc sống gia đình Việt tỵ nạn đã bị đảo lộn một cách "vô tội vạ". Số là các bà vợ VN sang đến xứ văn minh , đã rất nhạy cảm và cố gắng giang tay ra đón ánh sáng lộng lẫy của xứ người, nên các bà hội nhập với cuộc sống mới thật dễ dàng, và hơn thế nữa các bà đang cố gắng ...sống nhanh, sống vội và dĩ nhiên là phe mày râu thấy rõ tình trạng bi đát đó đã phải lùi lại vài ba bước và theo chủ thuyết "bi quan yếm thế" hơn bao giờ hết....Có những lúc kinh tế xứ cờ hoa xuống dốc không phanh, các hãng xưởng sa thải nhân viên, các ông Mít ta đành phải về nhà làm những việc nội trợ. Chả thế mà phim trừơng ở Hollywood đã hái ra tiền qua những cuốn phim Tootsie, Mr. Mom, Mrs. Doubtfire....nói lên tình trạng "về vườn của phe chủ nhân ông".

Chính vì xã hội đảo điên, điên đảo và nhất là kinh tế làm chủ tình hình, ai làm ra nhiều tiền trong gia đình thì người ấy được nắm oai quyền....vì tình hình xáo trộn nên các ông bây giờ vừa làm việc nhà vừa có thì giờ suy ngẫm và nhớ lại những ngày xưa thân ái, lúc cùng nàng sánh bước lên xe hoa:

Một mùa thu trước lúc thành hôn
Đã hứa thương nhau đến ...hết đời
Vậy mà mới được vài ...năm lẻ
Chưa chết mà sao đã ...muốn chôn.

Rồi ông lại nhớ đến gương mặt "đáng ghét" của người vợ sau bao năm tháng ông hằng ấp ủ.

Người ấy thường trơ mặt lạnh lùng
Lúc nào cũng giống trận cuồng phong
Lúc vênh, lúc váo, khi la hét
Lúc khóc lu bù, lúc lặng câm

***

"Người ấy" thường hay móc bóp tôi
Gầm gừ khi thấy bóp tôi vơi
Bảo rằng làm ... dở, cho ăn... dở
Nếu muốn thôi....thì cứ việc thôi

Các ông cảm thấy tương lai huy hoàng sụp đổ:

Tôi chẳng thấy xuân, chỉ thấy thu
Nhà tôi chẳng khác cái ...nhà tù
Vợ tôi đã trở thành bà chủ....
Chỉ cho tôi được mấy chục xu...(1)

Để rồi một ngày nào đó có người mách đến tai là bả đang cặp kè với xếp thì ông chồng chỉ còn biết than:

Tôi khổ như điên với miệng đời
Xầm xì to nhỏ chuyện "nhà tôi"
Trời ơi, tôi chỉ mong có phép
"Người ấy" biến mất đi cho rồi

Nỗi lòng của những người làm chồng khi cuộc sống và xã hội mới làm thay đổi ít nhiều bản chất người vợ, bài thơ nói lên tâm tình người chồng không có hạnh phúc hôn nhân trong cuộc sống hải ngoại:

Buồn quá lật qua tin báo chí
Vợ ghen , chặt đứt ...của chồng nhà
Nếu phải tay tôi mà xử án
Thì đừng mong chỉ ở nhà pha

***

Tôi thấy đời tôi tối mịt mờ
Giặt đồ, rửa chén một tôi lo
Đời tôi chẳng khác đời ...cô Lựu
Biết tôi chịu khổ đến bao giờ ?

***

Nếu biết rầng tôi... đã làm chồng
Vợ tôi... "người ấy" bạn kinh không?
Thà sống độc thân mà rảnh nợ
Thây kệ môi son với má hồng

Hỡi các đấng nam nhi chi chí Ex-Kiwi có ngậm ngùi về cuộc đời ...đầy phong ba bão táp này không nhỉ???

MaiChi
5-99

(1) Toà soạn thêm cho đủ bốn câu, không biết có hợp ý tác giả hay không.

Món ăn bình dân - Mắm Cá Ngừ

Món này đặc biệt miền Trung và chỉ ngon nếu bạn dùng đúng số lượng ớt cay. Cũng nên nhắc rằng khi nấu, mùi toả ra có thể gọi là ghê không tưởng tượng được, nếu xưa kia bạn VOA biết nấu món này, thì Đaị học ở Ardmore đã phải dọn về ViệtNam. Tuy vậy lúc ăn rất ngon, bạn nào có gan thử nấu thì biết.

Vật liệu

2 khúc cá ngừ to bằng bàn tay, dày độ 2 phân
10 tép tỏi tươi hoặc nhiều hơn càng tốt
6 trái ơt tươi loại cay bạn vẫn ăn với Phở
1 củ hành tây nhỏ
4 muổng to dầu nấu ăn hoặc olive oil
4 muổng to nước mắm loại ngon
1 muổng nhỏ tiêu trắng xay
3 muổng to mắm ruốc (shrimp paste)
4 muổng to đường trắng
1 nồi tráng men hoặc stainless (đừng dùng nồi nhôm)
Bún sợi nhỏ, nếu mua được bún tươi thì tuyệt.
Rau sống đủ loại, càng nhiều càng tốt.

Cách làm

Luộc bún, rửa bằng nước lạnh và để cho ráo.
Thắng đường trong microwave, nhớ dùng loại chén chịu được độ nóng rất cao, và đừng để cháy quá sẽ bị mùi khét. Sau khi thắng xong, quậy với độ nửa chén nứớc cho đường tan hết.
Đập tỏi theo kiểu Yan can cook với dao to bản.
Nghiền ớt tươi bằng sống dao.
Thái nhỏ củ hành.

Cho dầu vào nồi, vặn lửa cao, phi hành, tỏi vừa được thì hạ thấp lửa. Thêm 1000ml nước lạnh, mắm ruốc, đường thắng, tiêu, ớt, nước mắm và đun đến lúc vừa sôi thì cho cá vào. Nhớ để lửa nhỏ và không đậy nắp. Lúc này là lúc nên vặn extractor fan lên mực số 3. Nấu trong 20 phút, thêm nước mắm tuỳ vị. Không nên nêm mặn qúa vì sẽ chan vào bún.

Cách ăn

Cho bún vào tô, chan vài thià mắm từ nồi vào, cho một chút cá ngừ, trộn với thật nhiều rau, vừa ăn vừa xuýt xoa. Nếu bạn thích ăn mặn hơn, lúc này có thể pha thêm nước mắm, tỏi đập, và ớt tươi vào tô. Sau khi ăn món này không nên dự buổi họp hoặc gặp khách hàng. -

Giang Hồ Thứ Thiệt. (c)1999

Film Review

I have seen many films in the last 30 years or so. But when I look back and try to remember which, the list was hard to compile. Some films I have seen and liked I can no longer recall, not even the title, and certainly not the story line, although some of them may have been Oscar winners in their day.

It was an interesting exercise to rewind that period of my life, pause when I recognise a memorable film, and find out in retrospect how these films affected me.

Shortly after I arrived in Christchurch in 1967, a friend introduced me to Tip Top ice cream, which I would eat by the pint at a time. I quickly increased my waist line from a mere 28 inch to 29 inch. I soon found out I could no longer buy clothes in the children's section of department stores.

The same friend took me to a Sunday matinee one day (It was on a Sunday, from memory!). While eagerly waiting in the queue, trying to finish the pint of Tip Top ice cream, I glanced at the bill board. It read: "Chitty Chitty Bang Bang".

I thought "This must be either a science fiction movie with cars flying in the air, or an action movie with a lot of shooting". Well, it was a good clean movie, and I remember finishing the ice cream before intermission time.

The film introduced me to Dick Van Dyke and I stayed sane by watching Dick on TV for years afterwards, in between other shows like "The Prisoner", "The Avengers" and "The Monkeys". (Strange that these days, hardly any TV shows are given names starting with the most used word in the English language, "The". - Ed.)

Having had a taste of small time science fiction, I was ready some time later to experience "2001: a space odyssey" when it first screened in Christchurch.

It was at the big theatre in Christchurch's City Square. I do not remember the name of the theatre, but for those of you who lived in Christchurch, it had stars and clouds on the ceiling. The effect was quite good as the clouds moved and the stars blinked.

"2001: a space odyssey", which became a classic, made me want to play and work with computers, as I thought it would be good fun to "interact" with something like HAL. I did eventually "do" computers and made a career out of it, "doing" many lunches along the way, and adjusting my waist line as I went.

Not long after "2001: a space odyssey", I and a number of other "mít ta" went to see "The Graduate" at the same theatre. I remember the songs by Simon and Garfunkel, and the young Elaine, daughter of Mrs. Robinson. Just to be doubly sure, I recently went to the video store and borrowed "The Graduate". Yes, Elaine is still what I remember her as, with wide innocent eyes. She was very reckless though, as I wouldn't ride a motorbike wearing a long wedding dress like Elaine did.

"The Graduate" taught me that Love conquers all. I assimilated that new and exciting knowledge, and felt that I was ready to conquer all. Well, almost. The missing ingredient, Love, was elusive. I had to go find it. It was definitely not in Christchurch. More and more "mít non" came to Christchurch, and while they were all good blokes, they wereẨ blokes.

(and still are I hope - Ed)

In my dreams, this booming voice kept shouting "Go North, young man, go North!". It was not practical to go West, as New Zealand is such a "thin" country that going West for any reasonable distance would put you under the sea.

And so, I landed in Wellington where I stayed with a philosopher, an eccentric and a playboy in a house on a hill, looking down the bay. There I absorbed some philosophy, some eccentricity and was given many tips on how to find Love.

More than once we ventured to some seedy ends of town around Cuba Street and asked Carmen where Love might be. But Carmen could only offer Tea, Coffee, or "Me".

During one of these excursions, I saw a "mít gàn" standing under a tree, waiting for Love to come to him. He was hoping that the girl of his dreams would take pity on him, come out from the house opposite and ask him inside. It was reported that he stood there all night, to no avail.

One night we went to see "Five Easy Pieces". I did not understand all of it then, but I instinctively knew that the film was about "The meaning of life". As I was still searching for Love and did not have a life, let alone worry about its meaning, I soon forgot "Five Easy Pieces", but the piano music from the film stayed with me until today still.

Then the friendship I had with this girl turned into something more than friendship, and I finally found what I searched for. Appropriately, we went to see "Love Story". And I wasn't paying any attention to the film. The first half of the film's title was all I cared about.

I found Love, started a life, started work, and fast forward to when we went to see "One Flew Over the Cuckoo's Nest". It was one of those moving films. You would walk out at the end of the film and you would want to walk back in to hopefully see a different ending.

This film showed me two things, that Jack Nicholson and I aged at the same rate since I last saw him in "Five Easy Pieces", and that out there, many film directors were also looking for the answer to "The meaning of life".

Work, family life, and upheavals from our home country occupied most of my time and thoughts during the following years, and very few films were sampled. Color TV also made its debut in New Zealand and I remember eagerly waiting for the Benny Hill show every week while my wife started to become addicted to The Young and the Restless!

In 1977 I had the chance of watching "Star Wars" when it first came out in L.A., at the Chinese Theatre. The special effects were very well done and the audience oooh'ed and aaah'ed at the right moments. The science fiction nature of the film reminded me of my previous encounter of the first kind with "2001: a space odyssey" in Christchurch.

Somehow that famous Chinese Theatre did not have the same atmosphere and impact of the one in Christchurch. It did not have stars and clouds on the ceiling and we were there by ourselves, with no other "mít" around us making noisy remarks in the dark, and I missed my pint of Tip Top ice cream.

Advances in consumer electronics such as the VCR during subsequent years compounded the effect of colour TVs. On top of that, all our spare time was devoted to our young children. There were fewer and fewer sessions at movie theatres in our lives.

Instead, I found myself waiting for a video release and then forgetting to rent it, and so missed a number of "must see" movies. After a while, I found that I didn't miss the "must see" movies which I missed. I knew sooner or later they would appear on free to air TV, and by the fifth rerun, I would certainly catch them.

The children are now older, and we have started to enjoy watching movies in a proper movie theatre again, with the children or by ourselves when they refuse to come with us!

And sometimes, I swear I can hear noisy remarks in the dark, in Vietnamese. But when I look up, there are no stars or clouds on the ceiling.

TXM - New Year 1999

Wednesday, February 26, 2014

Water

Thoại Khanh

I've been drinking water all my life. I thought I knew water well. In fact, I though there was not much one needed to know about water. Way back in the day in my physics class, I was taught that water consisted of two elements of H and one element of O, and people drank it to sustain life. I still remember my how mother boiled the water and stored them in the glass bottle for the whole family. Actually, my brothers and I did not bother about the boiled water. Arriving home from school, we went directly to the water vat, stirred the water a little to get the mosquito larvae out of the way, and scooped up the water in our hands. It was refreshingly delicious. More than once, a couple of larvae got swallowed with the water. It did not change the taste a bit.

When I got to New Zealand, I was happy to see that the Kiwis drank the water right out of the tap, not bothering with fussy boiled water. It seems that the Kiwis are as tough as we are. Actually, I originally thought that they were a little tougher than we were when I saw them washing their dishes. They just pulled the dishes out of the sink, full of soap bubbles, and wiped them dry with a cloth. But then I realized that there is a difference between toughness and civilization.

My confidence in my knowledge of water was violently shaken after I arrived in the US. When I visited a Kiwi alumnus in the progressive Silicon Valley, I saw a big round thing on every tap in his house. My friend proudly told me that he just installed these water filters to soften the water. I never heard of the term soft water before, so I put my fingers in his water and it felt exactly the same as any water that I touched before.


  • You don't understand that the water around here is heavy with minerals and can be dangerous to your health?
  • You mean that the water here is worse than in Viet Nam?
  • Oh, sure. In VN, there are bugs in the water that, at worst, give you a stomachache for a few days. Here the water is contaminated and it can kill you if you are not careful.


Seeing that I was not convinced, he took me for a ride to the shops in Little Saigon. There, I saw people with plastic containers queuing around the water machine, jostling to get to the water. Water ran from the machine, wandered around the footpath, collecting dirt and rubbish before ending up in the gutter, just like the scene at home in my village around the water fountain. The only difference is that, here in America, you have to pay for the water. At home, at least it is free. Who said that life is good in America?

Then we went into a shop and, lo and behold, there must have been hundreds of different types of water on sale; small bottles, large bottles, water in glass containers, water in plastic containers, water by the quart, water by the gallon, water from deep springs, water from snowy mountains, water from fjords, exotic water from New Zealand and ice water from Antarctica.

Later that night, my friend took me to one of the upscale watering holes, where water is not only drunk, it is revered. The waiter announced in a solemn voice:


  • We have imported and domestic water. The specials this week are Rocky Mountain 79, a special produce from the heavy snowfall in 79 and the Canadian Clear 98, a slightly musty taste from the 98 El Nino. Today, we also have special New Zealand Mount Cook 1975 water by the glass. We also have house water by the glass and carafe.
  • What is special about Mount Cook 1975? I couldn't help but ask.
  • It was before the invasion of the Mít, sir, therefore it has a more Anglo-Saxon taste.
  • And the ice? My friend asked in a knowing voice.
  • The ice is made from house water, sir.
  • Ok, I'll start with a glass of house water with ice for my appetizer, and a bottle of Chateau Pyrenee water, chilled, no ice with my entrée and a glass of Mount Cook special with my dessert.
  • Very good sir

When the water was served, my friend insisted that I taste the house water first.

  • Take a sip, close your eyes, swirl the water around your mouth and feel the taste.

I obeyed. My friend enthused:

  • Good water, isn't it? It has the right combination of H and O. Pure and simple and refreshing, maybe with a pinch of oak.

I couldn't count the thousands of Hydrogen and Oxygen atoms to verify my friend's statement. But I noticed a little aroma of copper, mixed with a little fishy relish, most likely from the ice cubes, and a dash of garlic from the unwashed hands of the chef, but what do I know about water, so I had to accept his statement at face value.

The Chateau Pyrenee water was so-so, my friend concluded after we finish half of the bottle. But the Mount Cook water was special.

  • Gosh, I love this water. It is so refreshing. It has a little hint of pine and somehow a little tint of lavender.

I thought about the white powdered snow of Mount Cook, the dark pine forest on the mountain, the lush green grass growing on the steep hills, the thousands sheep feeding on the grass, the millions of sheep droppings on the green grass and the streams of water flowing from the mountain through the grass carrying the droppings down to the valley where the water was collected and I swear that I could detect a trace of E. coli in the water. But again, what do I know about water?

The dinner with my friend left such a strong impact on me that I started to notice how the Americans are so dependent on their water. It seems that people carry water with them everywhere they went. People take water with them on the plane as if water is going to cost them an arm and a leg. People carry water in little plastic bottles (the new design with a nipple that you have to suck hard to get the water out) to work as if they were going on a safari with no water for hundreds of miles. People carry water in large bottles from meeting to meeting.

Comedian George Calin, in one of his shows, noticed that America is a nation full of thirsty people. He could not understand since when we became so thirsty.

But I know. There is an old Vietnamese saying: "Cha ăn mặn, con khát nước",

The previous generations of Americans were full of sin. You probably read the news that President Thomas Jefferson fathered a child with one of his slaves. That why this generation of Americans are the thirsty lot. Considering the behavior of President Clinton and his cigar, I'm afraid that the thirst will be with the Americans for a few generations to come.

(What a coincidence, I have been drinking water all my life too! - Ed)



Trà ướp hoa

Hồi nhỏ, tôi ở với ông bà nội tôi trong một khu vườn rộng lớn ở Huế, ba mẹ và các em đều ở Đà Nẵng. Cả ngày ngoài giờ đến trường chỉ còn biết lẽo đẽo theo chân ông bà mà thôi, cho nên tôi rất để ý đến thú pha trà của ông bà.

Bài viết này tôi chỉ nói lên một phần nho nhỏ của cách uống trà mà tôi biết được. Hy vọng nếubạn nào thấy thiếu sót thì xin bổ sung, tôi xin cảm tạ.

Trà ướp hoa lài:

Thứ trà này hiện nay ai ai cũng đều biết cả, ra phố Việt Nam mua một hộp rất dễ dàng. Các khu vườn ở Huế từ nghèo đến giàu đề có một vài khóm hoa lài.

Thứ hoa này dễ trồng, hoa màu trắng sữa, có nhiều cánh, to bằng đồng tiền xu, hương thơm ngào ngạt. Chỉ một và hoa nở tận cuối vườn mà làm thơm thoang thoảng bay tỏa khắp mọi nơi trong nhà, thật là dẽ chịu.

Bà nội tôi hay ngắt vài ba hoa lài bỏ vào bình trà sau khi đã tráng nước nóng. Với một nhúm trà, đổ nước sôi vào, vậy là có một bình trà ướp hoa lài rồi đó.

Trà ướp hoa sói:

Nói đến hoa sói là nói đến một loại hoa thật đặc biệt ít ai biết đến. Lá màu lục đậm to bằng ba lá chè tươi và cũng có khiá ở mép lá. Còn hoa, hình tròn không có cánh, chỉ to bằng hạt kê đã nở, kết thành từng chùm màu trắng ngần.

Bà nội tôi để chậu hoa kề bên thau nước rửa mặt và lu nước. Cứ sáng sáng, sau khi súc bình trà bà tôi cho tất cả bã chè vào gốc cây ủ làm phân và sau khi rửa mặt bà lại đổ cả thau nước tưới vào gốc câỵ Bà tôi nói hoa sói thích mát và nước cho nên phải tưới luôn kẻo không thì nó chết.

Hương thơm nhẹ và ngọt ngào phải đứng thật gần mới ngửi được nhưng bỏ vào bình trà để pha với trà thì thật là tuyệt.

Trà ướp hoa ngâu:

Nhà tôi có một cây ngâu ông tôi trồng bên hông nhà kề cửa sổ phòng tôi. Hoa ngâu lớn bằng đầu ngón tay út và có những cánh mỏng như giấy màu trắng vàng.

Tôi cứ đợi lúc ngâu có trái nho nhỏ cở bằng hạt đậu phụng màu da cam là ngắt ăn nhưng chẳng ngon gì.

Cây ngâu lá cũng bằng hoa, bé bằng lóng tay, cao bằng đầu người, làm thành một bụi lớn hơn cả vòng tay. Hoa thơm nhè nhẹ, bà tôi cũng bỏ vào bình trà nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi vìông tôi không thích mùi hương này pha với trà lắm.

Trà ướp hoa tường vi:

Bụi tường vi của bà tôi trồng trước hiên nhà. Bà tôi luôn luôn nghĩ rằng hoa này đẹp và sang cho nên cũng săn sóc kỹ càng hơn những hoa khác.

Hoa màu hường, nó là một loại hoa hồng nhưng hoa chỉ lớn bằng qủa banh bóng bàn mà thôi, hương thơm ngát nhưng ngọt ngào.

Lúc nào có khách qúy mà trong vườn đang có vài hoa tường vi mới nở, bà tôi tìm hái bỏ vào bình trà rồi chế nước nóng vào, chờ vài ba phút cho trà và hương thơm tường vi quyện vào nhau bà tôi mới chế ra những chiếc tách kiểu Pháp mà ba tôi đã tặng ông bà. Bảo đảm với các bạn tách trà này thơm và quý phái lắm.

Trà ướp hoa mộc:

Nói đến hoa mộc tôi lại không thể nào quên được bụi hoa mộc nằm kề bức bình phong trước nhà.

Tên đúng với cách cấu tạo hoa, lá và thân cây. Hoa đơn sơ mộc mạc, cánh hoa bé tí bằng hạt mè màu trắng kem. Hoa có bốn cánh và kết thành từng chùm nhỏ bằng ngón tay. Lá nó bằng lá chè nhưng màu lục hơi nhạt.

Hương thơm của nó chẳng mộc mạc tí nào, mùi hương ngọt tỏa ra khắp nơi, ai ai cũng đều thích.

Chỉ cần vài chùm hoa nhỏ trong bình trà là tách trà của bạn thơm sực nức rồ đó. Bà tôi thỉnh thoảng đi đâu chơi không quên nhét một chùm hoa nhỏ trên búi tóc ( giống như bây giờ người ta dùng nước hoa vậy đó, điệu ghê các bạn nhỉ! ).

Qua đây, tôi lại gặp cây hoa mộc tại phố Việt Nam ở Richmond trong một tiệm tạp hoá người Tàu. Hỏi chủ nhân thì họ bảo cây này chở từ Queensland xuống vì dưới này lạnh nên không có cây hoa này nhiều. Bên Tàu kêu tên là Quý hoa coi bộ cây này được người Tàu quý hơn dân Việt Nam rồi đó.

Tôi mua về trồng, cây lớn nhanh, nhưng hoa không thơm bằng. Hôm nào trời nắng đi ngang qua bụi cây mới nghe một làn hương nhè nhẹ tỏa ra.

Trà ướp sen:

Đây là một cái thú uống trà của giới thượng lưu Huế. Tôi nhớ các nhà xưa giàu có các cụ hay có ao sen sau nhà, bức bình phong trước nhà với hàng rào chè tàu (cây chè này chỉ trồng làm bờ rào mà thôi) chạy quanh vườn trông sang trọng và uy nghi lắm.

Hồ sen chỉ hấp dẫn vào những tháng hạ, lúc hoa nở, ve kêu, chim chóc véo von, các cụ đặt vài cái ghế dựa gần bờ hồ để ngồi uống trà.

Trà này đêm trước đã được người làm bỏ vào những đoá hoa hàm tiếu cột lại để sáng hôm sau đem vào pha trà. Ôi chao! mùi thơm cuả hoa sen quyện với nước trà thơm sực nức thêm vào ngồi bên hồ nghe hương thơm nhẹ nhàng của hoa tỏa ra khắp nơi khiến cho nhiều người cảm tác thành áng thơ bất hủ.

Ở Huế, trong Thành Nội có hồ Tĩnh Tâm để lúc nào mấy vị vua triều Nguyễn căng thẳng đầu óc ra đây nghỉ ngơi.

Hồ này trồng toàn hoa sen, mà sen ở đây rất nổi tiếng vưà lớn và rất thơm, nhất là hột sen Tĩnh Tâm ngon nhất ở Huế. Đêm đêm các người lính hầu đem trà bỏ vào hoa sen. Sáng sớm chèo chiếc ghe độc mộc len lỏi vào hồ lấy nước sương đọng trên những chiếc lá sen đem về đun sôi pha với trà đã được ủ cả đêm trong đoá sen đem dâng lên vua.

Bâygiờ nhiều lúc nhắp nhằm một chén trà ướp mùi hương từ những chất hoá học thật là hắc và nồng làm khắc cả cuống họng. Chứ một chén trà ướp hoa thật khi uống xong hương thơm vẫn còn giữ lại ở cổ họng làm mình thấy khoan khoái lạ lùng.

Tôi chỉ có ý kiến ngang đây thôi, xin các bạn tiếp tục góp ý để sau này khi chúng ta gặp lại nhau tha hồ uống trà ướp đủ thứ hoa và ôn những chuyện đời xưa phải không các bạn.

TTKA

Thú Câu Cá ở Auckland

Khương Tử Nha ngày xưa câu cá không có mồi, không lưởi câu để chờ thời (Nhớ mại mại vậy không biết có đúng không!). Thời nay có nhiều người câu hoài không bắt được cá cũng câu. Tám năm trước, trong khi được mấy bạn Kiwi đưa ra cầu tàu ở Devonport ở Northshore , tôi đứng xem người ta câu cá. Chờ hoài không thấy ai câu được con nào cả, tôi bèn thán phục người ta sao mà kiên nhẫn đến thế và không hiểu họ thích thú gì mà ngồi cầm (hay nhìn) cần câu như vậy.

Nhiều lần lái xe dọc bờ biển tôi cũng thấy lắm người câu cá nhưng để ý khá lâu cũng chẳng thấy ai câu được con nào cảù. Motả lần gia đình tôi đi dạo dọc theo bờ biển Mission Bay Auckland, chào hello một người đang câu cá không quen biết. Thấy vui vẻ chúng tôi đứng lại nói chuyện trời trăng mới biết anh ta cũng là dân tứ xứ đến đây chứ không phải dân địa phương. Anh ta gốc ở Croatia. Nhìn vào cai xô thì không thấy con cá nào, hỏi anh ta câu có cá không. Anh ta bảo là hồi nảy có câu được một con lươn lớn rồi thả nó xuống biển lại rồi.

Ba năm trước, anh Sen, một anh bạn sồn sồn, tự nhiên say mê câu cá. Chị Sen bảo là không có thứ bảy nào anh ta ở nhà. Cả năm sau anh ấy mới rủ tôi đi câu một chuyến cho biết, câu từ bờ chứ không phải câu trên tàu. Chúng tôi phải lái xe hơn hai tiếng đồng hồ theo đường từ Auckland đến Coromandel. Chặn cuối dài khoảng 50 km từ Thames dọc theo bờ biển đến Coromandel thật là đẹp. Dọc bờ đá tôi cũng thấy có nhiều người câu cá. Nhưng chúng tôi cứ tiếp tục đi đến chổ anh bạn tôi bảo là có cá. Tới nơi, xuống xe rồi phải đi bộ khoảng 2 cây số, băng qua 500 m bờ đá ghồ ghề mới đến chổ câu cá. Chổ này có cá vì gần mussel farm và là chổ anh thường câu được nhiều cá snapper.

Cá snapper là loại cá giông giống cá hồng ở Việt nam nhưng lớn hơn và ngọt thịt hơn. Cá snapper được dân Kiwi và dân Nhật thích, nên khá đắt tiền. Chín năm trứơc đây khi tôi mới trở lại NZ, mỗi người được phép câu 30 con cá snapper một ngày. Nhưng vài năm sau, số lượng này giảm xuống còn 15 con, rồi cuối cùng còn 9 con. Ở NZ, câu hay đánh cá thương mại thì phải mua quota. Còn câu cá amateur hay giải trí thì chỉ được bắt trong giới hạn 9 con snapper một ngày và không được bán cá mình bắt được. Luật đánh cá NZ cũng không cho câu cá snapper ngắn hơn 27cm. Những loại cá khác thì không có giới hạn số lượng. Nhưng có một vài loại cá phải lớn hơn cở tối thiểu quy định. Chẳng hạn như cá King Fish thì phải dài tối thiểu là 65 cm. Nếu ai bị phát giác bắt nhiều hơn số qui định hoặc nhỏ hơn cở quy định, thì có thể bị đưa ra toà, bị tịch thu tàu, và ngay cả xe kéo tàu.

Trở lại câu chuyện đi câu cá lần đầu ở gần Coromandel. Đến chổ coi có thế đứng thuận lợi, chúng tôi ngừng lại. Anh Sen đưa cho tôi một cần câu, chỉ tôi cách xử dụng, cách cột lưỡi câu, cách móc mồi, cách thẩy câu và cách sử dụng cái reel (trục quay cuộn dây cước).

Hồi nhỏ tôi rất thích câu sông và câu ruộng. Phải nói là mê, nhiều lần bị ông già cho ăn roi cũng không chừa. Nhưng lúc đó cái lưỡi câu có chút xíu. Cần câu là một cành tre cành trúc. Dây cước chỉ dài có 3,4 thước. Mồi lúc đó là nhái con hoặc giun và móc mồi thì không được cho đầu lưỡi câu lú ra - lở õ cá nó thấy nó sợ không dám ăn! Hoặc nó đụng phải thấy đau miệng không dám ăn! Thế mà bây giờ câu cá lại dùng mồi bằng cá. Hồi xưa mà câu được một con cá bằng con mồi này thì mừng húm rồi. Con mồi to bằng con cá nục, cá trích, ở đây gọi là pilchard chỉ để dùng làm mồi câu cá chứ không ai ăn (Trừ mấy người đảo không ngại ăn nếu nó còn tươi). Anh bạn tôi bảo phải móc mồi sao cho đầu lưởi câu lòi ra chứ không thì không dính cá.

Lần đầu thì anh Seni thẩy câu (surf cast) cho tôi. Phải thẩy xa ít nhất 30 hay 40 m thì mới khỏi bị móc rong biển và đá. Ngày hôm đó anh Sen câu cả chục con snapper. Tôi cũũng câu được một vài con. Nhưng hởi ôi! Lưởi câu tôi cứ dính rong biển và đá hoài. Vị chi hôm đó tôi làm mất khoảng 10 lưỡi câu và 10 cục chì (4 -5 ounce sinker) của anh bạn tôi.Lần nào kéo lưởi câu lên dầu không có cá mà không bị dính rong hay đá là mừng kinh khủng.

Thấy anh ta câu được nên tôi cũng ham. Về mua cần câu đi câu một vài lần nữa. Xui là hà tiện đi mua sale mà không biết thứ cần và reel nào tốt nên reel mới chỉ dùng 2 phút sau là gảy. Đem về bắt đền tiệm bán, họ gởi đi sửa thay trục mới. Lần kế tiếp cũng 2 phút lại gãy nữa. Cái thú câu cá bờ nó cũng gãy luôn.

Hồi anh Cẩm còn ở đây, thỉnh thoảng tôi ghé thăm anh Cẩm. Tôi được anh Cẩm cho ăn mì ăn liền với cá nục. Anh Cẩm có một chiếc tàu nho nhỏ và anh cũng có cái thú đi câu. Nhưng khổ cái là anh ấy chỉ câu được toàn là cá nục nên hãnh diện cho khách ăn cá nục. Được cái là khi anh Cẩm về VN, anh ấy cho tôi một bộ cần câu câu tàu còn tốt. Sau này tôi dùng cái cần này người ta cứ nói là cần câu cá mập. Không biết anh Cẩm chỉ câu được cá nục sao lại mua cái cần câu lớn như vậy!

Hai năm sau, một anh bạn khác là anh TT Long rủ tôi đi câu. Anh Long có tàu nên được câu tàu. Câu tàu thật là sướng: lưởi câu không bị dính rong hay kẹt đá. Gặp chổ có cá câu thi khỏi nói. Năm ngoái có lần anh Long rủ cả tôi và nhà tôi đi câu tàu. Có cá nhưng không được lớn lắm. Nhà tôi câu được 3,4 con, cũng thích lắm.

Anh Sen cũng thôi không đi câu bờ. Anh ấy được mấy người bạn trong sở có tàu rủ anh đi câu tàu khá thường. Khi còn chổ anh ấy rũ tôi đi. Lần đầu thì tôi không được con nào, cả bốn người tất cả chỉ được có 4 con suốt cả buổi. Lần thứ nhì tôi câu được nhiều kể cả một con snapper lớn nhất trong nhóm, đến 4- 5 kí. Cái cảm giác cá lớn cắn câu, kéo dây cước và cái cảm giác dựt lên thấy dính cá sao mà mê thế. Tôi đâm ghiền . Xui cho tôi, không quen đi biển nên bị say sóng. Say sóng cũng cứ ghiền. Tống thức ăn, dịch vị trong bao tử ra hết một hồi là thấy dễ chịu. Hơn hai lần tôi câu được cásnapper 4-5 ký. Có lúc câu được hai con cá một lúc kể cả một lần câu được một con snapper khá lớn với một con kingfish. Câu được như vậy thì về ngủ cũng nằm mơ thấy cá cắn câu.

Hè vừa rồi, anh TT Long có rủ anh chị Lê Quang Long, vợ chồng Trần Hưng Lợi và vợ chồng tôi đi câu tàu. Chị Phương vợ anh Lợi ngại sóng không đi. Nhưng hôm đó trời đẹp, gió rất nhẹ, biển êm chỉ tiếc là anh Long sợ đám này không quen biển nên chỉ đưa ra gần gần, câu chổ chỉ có cá nho nhỏ. Mồi thì hơi rục nên câu không sướng lắm. Anh Long mệt, lại không có cá nên không lấy gì làm thích. Chị Long câu được 3, 4 con cá snapper và một ít cá nục. Nhà tôi không được thấy cá cắn câu gì cả mà cứ mất mồi nên không phấn khởi như lần trước . Anh Lợi lần đàu tiên đi câu lại được 3 con snapper, kể cả con lớn nhất hôm đó. Hôm đó có đem máy chụp hình nên có chụp hình kỷ niệm.

Kẹt là muốn đi câu tàu mà không có tàu, lại chỉ rãnh ngày thứ bảy thì ít khi có dịp đi câu được. Vì vậy có lần nghe mấy người cùng câu cho biết là hồi trước họ cũng đi cầu bờ xung quanh Auckland và câu được cá lớn mặc dầu không phải là snapper mà là trevally hay kahawhai. Tôi rối rít hỏi những chổ nào. Thế rồi thứ bảy tuần nào tôi cũng xách cần đi thử những chổ họ chỉ. Chổ đầu tiên là Little Hui ở West Auckland. Từ nhà đến đó chỉ có 16 km chứ không phải gần 200 km như những lần đi với anh Sen.

Nghe nói những người đi câu chổ này có thể dẫn theo gia đình đi picnic , nên tôi bèn kéo bà xã và con gái đi theo. Dọc bờ biển bên con đường gần đến Hui, thấy có nhiều người dứng câu tôi mừng quá, bèn tính kiếm chổ đậu để câu. Bà xã và con gái phản đối quá chừng vì sát bên bờ đường, không có chổ trải rug, và một tí privacy để đọc sách hay enjoy cảnh. Tôi bèn phải chở vợ con đến chổ park đàng hoàng cách đó vài trăm thước rồi trở lại câu. Có cá cắn câu ! Hy vọng hấp dẫn. Nhưng hởi ôi, cá nó nhỏ quá. Chỉ enjoy được cái cảm giác cá riả mồi, nhưng không dựt dính được con cá nào cả. Lần này tôi dùng mồi mực khá dai nên cá con rỉa cũng không phải thay mồi nhiều. Loay hoay gần 2 tiếng đồng hồ trôi qua như gió. Tới giờ phải đưa vợ con về. Câu không được đá nhưng vẫn thích, và tiếc là phải về sớm nên quyết chí lần sau sẽ đi một mình.

Tôi đi câu tiếp ba ngày thứ bảy - dĩ nhiên là mỗi lần chừng 5, 6 tiếng đồng hồ tuỳ theo con nước chứ không phải cả ngày. Những lần sau này tôi đi xa hơn ra. Từ chổ công viên đậu xe , tôi trèo qua bờ đá xung quanh ngọn đồi khoảng từ vài trăm thước đến 1 cây số. Ba lần câu này chỉ được 3 con cá snapper bằng 2 ngón tay- Dĩ nhiên là cười khoan khoái thả lại xuống biển. Thế mới biết những lần trước không câu được là vì cá cắn câu còn nhỏ hơn nữa và chắc chắn không phải là snapper. Cá snapper dầu thật nhỏ mà cắn câu thì chi cũng bị dính. Bà xãvà mấy đứa con không hiểu tại sao câu không có cá mà tôi cứ ham đi câu như vậy. Chưa tìm được câu giải đáp vừa lòng vợ con, tôi bèn bảo là đi câu cũng là cách tập thể dục tốt nhất vì phải đi bộ leo bờ đá cả cây so rồi hưởng không khí trong lành bên bờ biển, thưởng thức cái đẹp cái yên tịnh lẫn hùng vĩ của thiên nhiên.

Gần đến ngày Easter, tôi chuẩn bị thật kỹ càng. Mua một cái reel mới ngon lành hơn 100 đô la. Tôi mua thêm chì, chuẩn bị nhiều cách cột lưỡi câu và chì... định ra chổ hôm trước thấy có người câu được trevally và cá giống cá lóc khá lớn. Chổ đó gần bờ nhưng nước sâu và nước chảy. Ngày thứ sáu Good Friday, trời có vẽ mưa muốn mưa tôi cũng bất kể. 7 giờ sáng tôi nhẹ nhàng dậy, làm cái gì cũng nhẹ nhàng không dám làm mất giấc ngũ của vợ con. 7.30 am tôi đã xách cần câu đi, tràn đầy hy vọng một ngày thành công câu được cá.

Đến nơi đậu xe xong, tôi hối hả, một cách phấn khởi vừa đi vừa chạy cả cây số qua bờ đá gồ ghể lởm chởm đến chổ có vẽ ngon lành nhất. Chưa có ai ra câu cả. Tôi khai trương ngay cái reel mới. Cá cắn câu, dựt rồi quây dây. Ai ngờ tiệâm bán reel cho dây nhiều quá làm cho dây bị kẹt mép reel. Tôi không biết cứ quay quay làm nó đứt mất. Rồi đời một cục chì và mấy lưởi câu! Cột lại chì khác lưởi câu khác. Lần này nước chảy vào, nó cứ đầy chì và mồi vào bờ đá. Cá đâu không thấy, kéo lên không được , phải kéo hết sức cho nó đứt luôn. Cứ thế cho đến trưa, vị chi là mất hết 4 cục chì. Ráng đến 2 giờ chiều hết luôn đạn ( cục chì) đành phải rút quân. Tiếc là hết chì phải rút quân chứ không phải nãn vì không được cá. Ngày hôm đó rốt cuộc trời không mưa. Tôi có đem một quyển sách để đọc trong khi chờ cá cắn câu. Nhìn trời nhìn nước, nghe sóng vỗ ầm ỉ vào bờ đá, hát nghêu ngao hoặc đọc sách cũng thú thật. Lần đó là lần cuối đi câu ở Little Hui.

Thứ bảy, bà xã muốn đi lên bờ biển Martin Bay phiá bắc xem cảnh đẹp. Trong sách quảng cáo Holiday accommodation của AA, ho nói ụ ở đó cũng là chổ câu cá lý tưởng. Nghe vậy tôi đồng ý ngay, hăng hái đưa nhà tôi đi chơi, dĩ nhiên là xách theo cần câu.

Đến bãi biển Martin Bay, đang đưa mắt nhìn tìm xem chổ nào câu cá được, chúng tôi thấy có môt cặp người Kiwi trung tuần cầm cần câu và túi xách có vẻ rành câu cá vùng này, đi ra bãi và tiến về hướng tay phải. Tôi mừng quá, sao mà may mắn thế. Tìm chổ cho bà xã ngồi comfortable đọc sách, ăn trưa xong tôi đi theo ra chổ cặp vợ chồng kia câu cá. Hôm đó, lần đầu tiên trong mấy tuần câu bờ, tôi câu được một con snapper đủ cở và vài con nhỏ phải thả lại biển. Đến 4 giờ, nước lên, tôi tiếc rẽ thu quân.

Thứ hai Easter Monday, tôi đi tìm sang Muriwai là chổ cũng có nhiều người đi câu. Đến nơi đã có nhiều người ra câu rồi, mặc dầu trời gió lớn. Trong 1 khắc đồng hồ tôi câu được một con kahawai. Nhưng chừng 2 tiếng đồnghồ sau, nước dâng lên cao, gió mạnh, sóng tạt ướt cả người, tôi bèn rút dù. Trời sớm, câu chưa đã, tôi lái xe về vùng Little Hui lại, nhưng đi tiếp thêm 6 cây số đến Whaipu. Đến đây, phải đi bộ chừng 2 cây số mới đến bờ biển. Tôi gặp nhiều người xách cần câu về, nhiều người xách cần câu ra. Trời mưa, gió mạnh có đến 50 km/ giờ cũng không làm chùn chân những người mê câu cá can trường. Tôi đi theo họ len lỏi qua rừụng cỏ cao. Ra đến bãi cát. Cát thổi ào ào tát vào mặt. Cứ kiên trì bước đi. Đàng xa đã có nhiều người câu dọc theo bờ cát. Họ đến một đồi đá. Tôi cũng theo họ vì thấy câu trên bãi cát không mấy hấp dẫn. Có cả chục người rãi rác câu ở đó. Gió rít, mưa ào, sóng đập như giận dữ. Chúng tôi cứ khoan khoái thẩy câu. Tiếc thay, tận hưởng sóng gió mưa bảo cả tiếng đồng hồ mà không được dịp thưởng thức cảm giác cá cắn câu, tôi đành lên thu dọn chiến trường đi về, không một chút nãn lòng.

Cách đây hai tuần, tôi được đi câu tàu với anh Sen một lần nữa. Lần naỳ anh Sen câu được một con Kingfish nặng đến 20 kg. Cầu câu cong vút, nhiều lần anh kéo không lên được chút nào cả mà còn bị nó kéo thêm dây đi. Chiến đấu với nó một cách sung sướng gần 30 phút anh ta mới kéo lên được tới mắt nước. Đến lúc anh bạn người đảo mới lấy cái cây móc móc nó lên tàu. Không có cây móc đó thì khó lòng đưa nó lên nổi. Nó vùng một cái dám đứt dây luôn.

Auckland quả là một nơi tuyệt vời để chơi thuyền và câu cá. Xung quanh là biển và vịnh. Cá nhiều. Nghĩ đến lúc về hưu, tôi nghĩ không còn gì sướng bằng có một chiếc tàu nhôm nho nhỏ. Khi nào trời tốt đem tàu đi câu cá. Trưa trưa có thể ghé một bãi biển trên một hòn đảo, pinic, nướng cá ăn thì tuyệt. Ai biết làm những món cá sống như người Nhật thì còn thích hơn nữa. Khí hậu Auckland khá ôn hoà, không lạnh lắm mà cũng không nóng lắm. Bão cũng ít ghé Auckland. Cảnh biển thì đẹp nhất New Zealand.

Có những lúc, có những người câu không được cá mà vẫn mê đi câu. Tại sao ? Cái gì làm họ say mê. Có lẽ đó là cái thú. Cái thú tìm tòi, kinh nghiệm những bí mật của thiên nhiên. Cá ở đâu? Lúc nào cá ăn? Làm sao câu trong chổ nước đứng, làm sao câu chổ nước chảy mạnh? Mồi nào? Hôm nay thất bại tạo nên cái thú hy vọng lần tới sẽ có kết quả hơn với kinh nghiệm mới. Nhưng cái thú thưởng thức tài nguyên thiên nhiên giàu đẹp Trời phú cho mình ở Auckland cũng không phải là nhỏ trong cái thú câu cá ở Auckland.

Mong vài năm nửa khi các bạn Ex Kiwi đến thăm NZ , tôi có dịp đưa các bạn đi hưởng cái thú câu cá tuyệt vời này. Xa hơn một chút, từ năm 2010, khi đó nhiều bạn bắt đầu về hưu, mong các bạn đến Auckland chơi một cả một mùa hè câu cá với tôi.

Auckland 28-5-1999
T. Nguyen.